Liên kết website
 

 HÌNH QUẢNG CÁO

 
Lượt truy cập
 

 Hướng dẫn nghiệp vụ

 
Đối thoại trong khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính Cập nhật: 30-07-2014 03:17
Đối thoại là một trong trình tự quan trọng của quá trình giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên thủ tục này không phải được áp dụng trong tất cả các vụ việc khiếu nại, mà thủ tục này chỉ được áp dụng khi đáp ứng được những điều kiện nhất định do Luật Khiếu nại quy định

Luật Khiếu nại năm 2011 quy định, việc giải quyết khiếu nại của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải bảo đảm đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục, đúng thời hạn do pháp luật quy định, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức và nhà nước. Đối thoại là một trong những trình tự quan trong trong quá trình giải quyết khiếu nại, thông qua đối thoại người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức có liên quan đến nội dung khiếu nại trình bày ý kiến, quan điểm của mình về những vấn đề còn chưa thống nhất trong việc giải quyết nội dung khiếu nại. Đồng thời, qua kết quả đối thoại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có thêm cơ sở ra một quyết định chính xác nhất để giải quyết nội dung khiếu nại. Theo quy định của Luật Khiếu nại 2011, trong quá trình giải quyết khiếu nại người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải tổ chức đối thoại trong các trường hợp sau:

Đối với khiếu nại lần đầu, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải tổ chức đối thoại trong trường hợp kết quả xác minh nội dung khiếu nại khác với yêu cầu của người khiếu nại. Nghĩa là, trong trường hợp sau khi người có thẩm quyền tiến hành xác minh khiếu nại, trên cơ sở chứng cứ, thông tin, tài liệu hiện có không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu của người khiếu nại thì người giải quyết khiếu nại phải tổ chức đối thoại. Còn trong trường hợp, kết quả xác minh khiếu nại phù hợp với yêu cầu của người khiếu nại thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không phải tổ chức đối thoại.

ImageView.jpg
 

Đối với khiếu nại lần hai, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại bắt buộc phải tổ chức đối thoại trong mọi trường hợp, cho dù kết quả xác minh có phù hợp hay không phù hợp với yêu cầu của người giải quyết khiếu nại. Sở dĩ, Luật Khiếu nại quy định khiếu nại lần hai bắt buộc phải tổ chức đối thoại trong mọi trường hợp vì khi phát sinh khiếu nại lần hai, tức là người khiếu nại về mặt quan điểm đã không đồng ý với nội dung giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền giải quyết lần một (cũng chính là người bị khiếu nại). Khi khiếu nại lần hai, người có thẩm quyền giải quyết lần hai sẽ xem xét giải quyết  nội dung mà người khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết của người có thẩm quyền giải quyết lần một. Trong trường hợp này, người có thẩm quyền giải quyết lần hai cần phải nghe quan điểm, lập luận của các bên về việc giải quyết nội dung khiếu nại. Trên cơ sở chứng cứ, thông tin, tài liệu và các quy định của pháp luật mà các bên viện dẫn làm căn cứ khẳng định tính đúng, sai về nội dung khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết lần hai sẽ có cái nhìn toàn diện về nội dung khiếu nại và từ đó có quyết định chính xác bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Khi phát sinh trình tự đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm tổ chức đối thoại với với thành phần gồm: Người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại, người khiếu nại hoặc người đại diện, người được ủy quyền, luật sư, trợ giúp viên pháp lý của người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại. Trước khi tổ chức đối thoại, người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc đối thoại.

Luon_luon_lang_nghe.jpg
 

Trong quá trình đối thoại, người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình. Việc đối thoại phải được lập thành biên bản ghi rõ thời gian, địa điểm, thành phần tham gia đối thoại, nội dung, ý kiến của những người tham gia, những nội dung đã được thống nhất, những vấn đề còn ý kiến khác nhau và chữ ký hoặc điểm chỉ của người tham gia đối thoại; trường hợp người tham gia đối thoại không ký, điểm chỉ xác nhận thì phải ghi rõ lý do; biên bản này được lưu vào hồ sơ vụ việc khiếu nại. Qúa trình tổ chức đối thoại, người có thẩm quyền tổ chức đối thoại phải bảo đảm tính công khai, dân chủ và bảo đảm đảm quyền của các bên trong việc trình bày ý kiến, quan điểm về việc giải quyết nội dung khiếu nại.

Như vậy, khi giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền phải xác định được các trường hợp khiếu nại phải tổ chức đối thoại; thành phần tham gia đối thoại; yêu cầu của việc đối thoại; nội dung đối thoại; trình tự tiến hành đối thoại để tiến hành đối thoại bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Các quy định pháp luật khiếu nại hiện hành đã quy định khá toàn diện và chặt chẽ các quy định về tổ chức đối thoại trong việc giải quyết khiếu nại, tuy nhiên so với yêu cầu thực tế vẫn còn có những vướng mắc nhất định như: Luật không quy định cách xử lý trong trường hợp người có thẩm quyền tổ chức đối thoại mà người khiếu nại hoặc người bị khiếu nại, người có liên quan không tham gia đối thoại. Do đó, khi phát sinh trường hơp này chưa có cơ sở  pháp lý để xử lý. 

2012-12-19.02.33.44-doithoaitructuyen.jpg
 

Để bảo đảm công tác tổ chức đối thoại trong giải quyết khiếu nại quyết định hành chính hành vi hành chính, Luật Khiếu nại cần quy định điều chỉnh trường hợp người có thẩm quyền không tổ chức được đối thoại do sự vắng mặt của các bên tham gia đối thoại; giới hạn số lần mời các bên tổ chức đối thoại để việc giải quyết được chặt chẽ, bảo đảm hiệu lực pháp lý và quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong quá trình giải quyết./.

 Văn  Chiêu


In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Select a date from the calendar.
 
Về đầu trang  
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THANH TRA TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm xuất bản: Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 1126, đường Phạm Văn Thuận, phường Tân Tiến, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: 0251.3822550; Fax: 0251.3816979; E-mail: vbthanhtra@dongnai.gov.vn
ĐĂNG NHẬP