Liên kết website
 

HÌNH QUẢNG CÁO

 
Lượt truy cập
 

Tin trong ngành

 
CHIẾN KHU Đ - MỘT ĐỊA DANH LỊCH SỬ, VĂN HÓA ĐỒNG NAI Cập nhật: 22-09-2016 12:16
Ngay từ khi còn là một cậu học sinh cấp 2 và cho đến sau này khi tôi trưởng thành……

Ngay từ khi còn là một cậu học sinh cấp 2 và cho đến sau này khi tôi trưởng thành, tôi đã nghe nói nhiều đến cụm từ “Chiến khu Đ”. Nghe vậy thôi, chứ thật tình tôi chưa một chút ấn tượng gì, ngoài một cách hiểu đơn giản về “Chiến khu Đ” là vùng đất cách mạng, nơi tá túc một thời của những người làm cách mạng.

Đến nay địa danh Chiến khu Đ vẫn còn đó, vẫn hiên ngang đứng ngắm nhìn Nam Bộ ngày càng giàu đẹp, hiện đại, kiên cường từ xưa đến nay. Từ trung tâm thành phố Biên Hòa, xe ô tô đi theo hướng Bắc chừng 40km tới ngã 3 Trị An, xe rẽ trái vào con đường 767. Từ đây, ô tô đi hơn 30km nữa mới đến Khu di tích Chiến khu Đ vang danh lịch sử. Ngoài ra chúng ta có thể đi đến địa danh trên từ các tỉnh một cách dễ dàng và rất nhiều con đường đến đó. Dọc hai bên đường bạt ngàn rừng xanh núi thẳm với những cây sao, dầu đặc trưng của rừng miền Đông Nam bộ. Đi sâu thêm chừng 3km là địa phận của Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hoá Đồng Nai nằm trên diện tích 97.152,1ha (gồm Hồ Trị An, rừng miền Đông Nam bộ của 9 tỉnh lân cận và khu di tích Chiến khu Đ). Khu căn cứ Chiến khu Đ có 3 di tích lịch sử cấp quốc gia được công nhận: Địa đạo Suối Linh, Trung ương Cục miền Nam và Khu ủy miền Đông Nam bộ, có diện tích 39,8ha trải dài từ địa phận huyện Tân Uyên (Bình Dương) và các xã Mã Đà, Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Lịch sử chép lại: Chiến khu Đ là căn cứ cách mạng qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở miền Đông Nam bộ. Khởi thủy Chiến khu Đ thuộc tỉnh Biên Hòa, được thành lập tháng 2/1946 trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sau khi Pháp chiếm Biên Hòa, các lực lượng vũ trang rút về vùng rừng núi Tân Uyên (thuộc quận Tân Uyên, Biên Hòa) để đứng chân.

Sodo.jpg

Có thể tầm hiểu biết của tôi còn hạn chế, chưa hiểu vấn đề một cách thông suốt. Nhưng phải nói rằng, tôi thật sự ngạc nhiên và hình như cuốn hút vào vùng đất Chiến khu Đ. Đoạn đường từ xã Phú Lý đến di tích Khu uỷ miền Đông - Chiến khu Đ hôm nay đã có nhiều đổi thay. Đi trên con  đường trải nhựa láng mướt, hoà mình trong không khí mát lành giữa cây rừng xanh bạt ngàn, tôi mới càng thấm thía và cảm nhận hết được sức sống phi thường của thiên nhiên cũng như con người nơi đây khi phải chịu đựng suốt mấy mươi năm trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trường kỳ, gian khổ để cất vang khúc khải hoàn ca chiến thắng mùa xuân năm 1975 và để hôm nay mảnh đất, tình người chiến khu xưa lại dang rộng vòng tay đón chào các thể hệ cháu con trong những chuyến du lịch về nguồn…Nơi đây có một di tích và truyền thống lịch sử hào hùng, chính vì điều đó trong những năm qua đã có rất nhiều những cuộc du lịch tìm về nguồn giúp các thế hệ thanh niên tìm hiểu về mảnh đất và con người nơi Chiến khu Đ, tìm hiểu về lịch sử nơi đã trở thành thành trì kiên cố bảo vệ an toàn cho cán bộ và nhân dân các tỉnh miền Đông Nam bộ trong suốt 2 cuộc kháng chiến kiến quốc. Trong vòng mấy năm trở lại đây đã có hàng ngàn lượt du khách đến thăm quan Căn cứ Khu uỷ miền Đông Nam bộ - chiến khu Đ. Hiện nay, di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông đã được tôn tạo, trùng tu và được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia.

H1.jpg


Những bức tượng phục dựng cảnh đang họp trong căn cứ

Trong Khu di tích hiện đang lưu giữ, tôn tạo 19 căn nhà và tái hiện 24 hình tượng người phân bổ thành 4 ban (Văn phòng làm việc của các đồng chí lãnh đạo Khu ủy miền Đông, Ban Cơ yếu, Ban Quản trị - Hành chính và Ban Vệ binh Khu ủy). Đi trên con đường đất đỏ quanh co là đến căn cứ khu Uỷ miền Đông Nam Bộ, bên trong căn cứ là hệ thống giao thông hào với chiều dài hơn 600m. Song song với hệ thống giao thông hào là nhà ở và nơi làm việc. Hệ thống giao thông hào và hệ thống địa đạo nhiều nhánh quanh co, dài, sâu dưới lòng đất. Hệ thống giao thông hào dùng để đi lại trong căn cứ, và là nơi chiến đấu. Từ căn cứ khu Uỷ tới đồi Bằng Lăng khoảng hơn 30 km đường rừng nằm giữa lòng chiến khu Đ. Đồi Bằng Lăng từng một thời mưa bom bão đạn và chất độc hoá học. Ở đây có rất nhiều cây bằng lăng cao to vươn mình che bóng mát cho biết bao anh hùng liệt sĩ nằm xuống nơi đây.Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, bây giờ nơi đây trở thành nơi du lịch là Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hoá tỉnh Đồng Nai. Chiến khu Đ không chỉ là nơi du lịch sinh thái mà còn là điểm đến cho các chuyến du khảo về nguồn, nếu như ai thích khám phá thiên nhiên, tìm hiểu về lịch sử thì hãy đến nơi đây để trải nghiệm thực tế.

H3.jpg


Hệ thống giao thông hào

Di tích lịch sử Chiến khu Đ hôm nay đã trở thành nơi tham quan, nghiên cứu và du lịch sinh thái nên mỗi ngày đón hàng chục đoàn khách từ khắp mọi miền đất nước về thăm. Bởi vậy, lực lượng cán bộ, nhân viên phục vụ khu di tích khá đông, làm việc rất nhiệt tình, chu đáo đã hướng dẫn, giới thiệu chi tiết từng điểm, vị trí trong toàn bộ khu di tích cho du khách; tất cả những sự kiện ấy cứ in trong tâm trí tôi một thứ cảm xúc rất mãnh liệt khi đọc trong sách sử, xem phim tài liệu và nhấn nha câu hát “Ai đã qua rừng miền Đông đất đỏ…”, đặc biệt, đọc hai câu thơ nổi tiếng của vị “Thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ - người con anh hùng của vùng đất Tân Uyên và miền Đông bất khuất: “Từ độ mang gương đi mở cõi/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” đã gieo vào lòng tôi niềm cảm xúc dâng tràn!

Con đường dẫn vào căn cứ phủ một màu xanh bạt ngàn

Về chiến khu Đ trong những chuyến du lịch về nguồn giúp chúng ta tìm hiểu lịch sử hào hùng và oanh liệt của vùng đất “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, từng là nỗi kinh hoàng của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Vùng đất chiến khu Đ ngày ấy và bây giờ sẽ mãi tỏa sáng ngọn lửa truyền thống, cháy rực “hào khí miền Đông” trên bước đường xây dựng tương lai…Ngày nay chúng ta có thể đến địa danh Chiến khu Đ để tham quan du lịch, được các hướng dẫn viên du lịch hướng dẫn tận tình, chúng ta có thể tìm hiểu thêm sử sách của nước nhà, có giá trị giáo dục cao đối với giới trẻ hiện nay. Di tích lịch sử này cần được giữ gìn, bảo vệ trong thời đại kinh tế ngày càng phát triển này để giữ mãi những giá trị lịch sử, văn hóa của tỉnh nhà./.

h4.jpg


 Chiến khu Đ xưa 

Tuấn đỗ

(Bài viết có sử dụng tư liệu trong Lịch sử Chiến khu Đ)


In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Select a date from the calendar.
Về đầu trang  
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THANH TRA TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm xuất bản: Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 1126, đường Phạm Văn Thuận, phường Tân Tiến, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: 0251.3822550; Fax: 0251.3816979; E-mail: vbthanhtra@dongnai.gov.vn
ĐĂNG NHẬP