Liên kết website
 

HÌNH QUẢNG CÁO

 
Lượt truy cập
 

Thông tin báo cáo

 
Dự thảo LUẬT TỐ CÁO (SỬA ĐỔI) Cập nhật: 06-12-2016 02:00
Thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XIV và năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan nghiên cứu xây dựng Dự án Luật tố cáo (sửa đổi)

​I. Sự cần thiết xây dựng Luật tố cáo (sửa đổi)

1.1. Những hạn chế, bất cập của Luật  tố cáo                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                  

Luật tố cáo đã được Quốc hội thông qua vào ngày 11 tháng 11 năm 2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2012. Sự ra đời của Luật tố cáo đã tạo hành lang pháp lý để công dân thực hiện quyền tố cáo, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Tuy nhiên, qua hơn 4 năm triển khai thực hiện cho thấy Luật tố cáo đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như sau:

- Thứ nhất, về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo: khoản 1 Điều 12  Luật tố cáo quy định: “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết”. Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng nguyên tắc này trong một số trường hợp còn có những vướng mắc nhất định như: thẩm quyền giải quyết tố cáo trong trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác; đã về hưu nhưng bị tố cáo lúc đương nhiệm hoặc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức tại thời điểm họ giữ chức vụ thấp nhưng hiện tại giữ chức vụ cao hơn; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

- Thứ hai, về thẩm quyền giải quyết tố cáo: Luật tố cáo chưa quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo của Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy gây ra những khó khăn nhất định trong việc thực hiện.

- Thứ ba, về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo: Luật tố cáo hiện hành quy định những nội dung cơ bản về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo.Tuy nhiên vẫn còn thiếu quy định cụ thể xử lý đối với một số tình huống như: việc tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo; quy định về việc rút đơn tố cáo; công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý về tố cáo …

- Thứ tư, về việc tố cáo tiếp và giải quyết tố cáo tiếp: Tại điểm b, điểm c, khoản 2  Điều 27 Luật tố cáo quy định “Trường hợp việc giải quyết tố cáo của người đứng đầu cấp dưới trực tiếp là đúng pháp luật thì không giải quyết lại, đồng thời thông báo cho người tố cáo về việc không giải quyết lại và yêu cầu họ chấm dứt việc tố cáo; trường hợp việc giải quyết tố cáo của người đứng đầu cơ quan cấp dưới trực tiếp là không đúng pháp luật thì tiến hành giải quyết lại”. Tuy nhiên trên thực tế rất khó để xác định được việc giải quyết thế nào đúng hay không đúng pháp luật nếu như không có bước xử lý ban đầu về xem xét hồ sơ giải quyết vụ việc trước đó để quyết định thụ lý hay không thụ lý giải quyết tố cáo tiếp. 

- Thứ năm, về tổ chức thi hành kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý về tố cáo: Luật tố cáo chưa quy định rõ về vấn đề này, do vậy trên thực tế đã diễn ra tình trạng có nhiều kết luận, quyết định xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo đã ban hành có hiệu lực pháp luật nhưng không được cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm minh, nhất là việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; xử lý sai phạm về kinh tế tài chính...Vì vậy gây ra những bức xúc cho người dân và xã hội. 

- Thứ sáu, về  bảo vệ người tố cáo: Luật tố cáo bước đầu đưa ra quy định về các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, các quy định về bảo vệ người tố cáo chưa cụ thể, khó thực hiện, chưa tạo nên thiết chế pháp lý cần thiết để bảo vệ người tố cáo một cách hiệu quả và thực chất. Theo đó, cần có các quy định pháp luật cụ thể, chi tiết, đầy đủ, toàn diện, phù hợp với thực tiễn nhằm bảo vệ kịp thời, hiệu quả người tố cáo và người thân thích của người tố cáo. 

- Thứ bảy, về việc khen thưởng người có thành tích trong tố cáo: Luật tố cáo chưa có quy định cụ thể về khen thưởng đối với cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo. Vì vậy chưa động viên, khuyến khích được những người có trách nhiệm, dũng cảm đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật. 

- Thứ tám, về vấn đề xử lý trách nhiệm đối với người có hành vi vi phạm: Việc xử lý hành vi vi phạm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện pháp luật tố cáo. Luật tố cáo đã có một số quy định mang tính nguyên tắc về xử lý hành vi vi phạm. Tuy nhiên, việc xử lý theo quy định tại Điều 46, 47 và Điều 48 Luật tố cáo còn gặp nhiều khó khăn trên thực tế vì chưa quy định rõ ràng, thiếu các biện pháp chế tài cụ thể trong việc xử lý trách nhiệm đối với các chủ thể trong quá trình giải quyết tố cáo khi có những hành vi vi phạm pháp luật như: cố tình không giải quyết tố cáo,vi phạm thời hạn giải quyết tố cáo, cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc giải quyết, cố tình tố cáo sai sự thật, mạo danh người khác để tố cáo… 

1.2. Xây dựng Luật tố cáo (sửa đổi) nhằm tiếp tục thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Việc xây dựng Luật tố cáo (sửa đổi) xuất phát từ việc chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta trong việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo:

-  Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 15/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng đã đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, trong đó đã nêu rõ: “Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật tố cáo, bảo đảm các tố cáo về tham nhũng phải được giải quyết kịp thời, tránh tình trạng đùn đẩy, bao che, không giải quyết hoặc giải quyết không đúng quy định pháp luật”. Chỉ thị cũng nhấn mạnh: “Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, giải quyết tố cáo, xử lý tố giác, tin báo tội phạm…”; “Bảo vệ, khen thưởng xứng đáng người dũng cảm tố cáo hành vi tham nhũng; đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi trù dập, trả thù người tố cáo tham nhũng hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống, hãm hại người khác”.

- Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của pháp luật, các kế hoạch và văn bản hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đều nhằm mục đích tập trung rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo; nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại tố cáo trong thời gian tới đây, góp phần làm giảm khiếu nại tố cáo đông người, chủ động tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Từ những lý do nêu trên, việc ban hành Luật tố cáo (sửa đổi) là cần thiết​

Chi tiết nội dung dự thảo luật sửa đổi theo file đính kèmDuThaoLuat.docxDuThaoLuat.docx


In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Select a date from the calendar.
Về đầu trang  
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THANH TRA TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm xuất bản: Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 1126, đường Phạm Văn Thuận, phường Tân Tiến, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: 0251.3822550; Fax: 0251.3816979; E-mail: vbthanhtra@dongnai.gov.vn
ĐĂNG NHẬP