Liên kết website
 

HÌNH QUẢNG CÁO

 
Lượt truy cập
 

Tin trong ngành

 
Tình hình công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong năm 2016 và 9 tháng năm 2017. Nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và một số giải pháp kh Cập nhật: 21-09-2017 02:19
Thực hiện Kế hoạch số 20-KH/BDVTU-UBND ngày 19/4/2017 giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy và UBND tỉnh về phối hợp tổ chức Tọa đàm “Công tác Dân vận trong tham gia giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giải tỏa, đền bù và tái định cư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”. Ngày 15/9/2017, Thanh tra tỉnh đã trình bày tham luận tại Tọa đàm với nội dung “Công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”.

​          Đồng Nai là tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, nằm trong vùng tứ giác kinh tế trọng điểm phía Nam, vì vậy trong những năm qua tỉnh đã thu hút được nhiều dự án phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, các dự án khu công nghiệp, dự án khu dân cư…của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cùng với việc thực hiện các dự án là gắn quá trình thu hồi đất, thực hiện bồi thường hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân; đây thường là lý do phát sinh khiếu nại, tố cáo và là vấn đề mà các ngành, các cấp luôn quan tâm.

1. Tình hình tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh trong năm 2016 và 9 tháng năm 2017.

a) Về công tác tiếp công dân

Toàn tỉnh đã tiếp 12.764 lượt với 13.086 người đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Trong đó, lãnh đạo các cấp đã tiếp 2.108 lượt với 2.174 người.

b) Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo

- Đối với công tác giải quyết khiếu nại: Chủ tịch UBND cấp tỉnh và cấp huyện đã giải quyết 638/703 đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 91%; trong đó, ban hành 514 quyết định giải quyết khiếu nại và 124 quyết định đình chỉ giải quyết khiếu nại do công dân làm đơn rút nội dung khiếu nại. Trong 514 quyết định giải quyết khiếu nại, có 10% đơn khiếu nại đúng, 15% đơn khiếu nại đúng một phần và 75% đơn khiếu nại sai.

Qua giải quyết khiếu nại đã xem xét, giải quyết bồi thường bổ sung cho công dân 5.944,9m2 đất nông nghiệp; nâng bồi thường 499,6 m2 đất nông nghiệp từ vị trí 4 lên vị trí 3 và 351,8 m2 đất từ vị trí 4 lên vị trí 2….

- Đối với công tác giải quyết tố cáo: Các cấp đã giải quyết 35/43 đơn đơn tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 81%. Trong đó, đơn tố cáo đúng là 09%, đơn tố cáo sai 60% và đơn tố cáo đúng một phần là 31%.

c) Đối với vụ việc tồn đọng, phức tạp

UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 10433/KH-UBND ngày 02/12/2013 để phân công các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành rà soát tham mưu xử lý, giải quyết theo thẩm quyền đối với 12 vụ việc trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013 của Thanh tra Chính phủ.

Thanh tra tỉnh đã phối hợp với đại diện các đơn vị, sở, ngành và địa phương liên quan tiến hành rà soát nội dung từng vụ việc và thống nhất tham mưu đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý các vụ việc theo kế hoạch.

2. Nhận xét, đánh giá

Từ số liệu trên cho thấy, tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án vẫn còn tồn tại và phát sinh. Nội dung chủ yếu liên quan về giá bồi thường đất, nhà cửa, vật kiến trúc thấp hơn so với thực tế và các chính sách hỗ trợ khác. Ngoài các nội dung khiếu nại trên, còn các nội dung yêu cầu được bồi thường về loại, diện tích, vị trí đất, và khiếu nại về trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư…, về tính chất vụ việc khiếu nại, tố cáo còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Khiếu nại phát sinh tập trung ở những địa phương có triển khai dự án, như: Biên Hoà, Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu... Trong thời gian qua vẫn còn phát sinh các đoàn đông người đến Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh và cấp huyện để kiến nghị, khiếu nại làm ảnh hưởng ít nhiều đến tình hình chính trị, xã hội tại địa phương.

- Về nguyên nhân: Có nhiều nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại, tố cáo của công dân, thể hiện:

Cơ chế, chính sách còn một số điểm chưa phù hợp với thực tế, thiếu tính ổn định, nhất là trong lĩnh vực đất đai, nhà ở; mức giá áp dụng bồi thường cho dân khi Nhà nước thu hồi đất có sự chênh lệch giữa giá bồi thường với giá thị trường, sự so sánh giữa người được bồi thường trước với người được bồi thường sau trong cùng dự án; Việc quản lý, sử dụng đất đai tại một số địa phương thiếu chặt chẽ; Công tác kiểm kê thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của cơ quan chuyên môn còn có sai sót (đo đạc sai diện tích, sai vị trí, loại đất, thiếu tài sản…). Thực hiện không đúng trình tự thủ tục trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; việc công khai lấy ý kiến của người bị thu hồi đất, tổ chức lấy ý kiến phương án bồi thường, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đôi lúc thực hiện chưa đảm bảo; việc thực hiện một số quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật một số trường hợp còn chậm, có vụ việc để kéo dài dẫn đến hiệu quả giải quyết chưa cao. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân về chính sách, pháp luật còn hạn chế; một số trường hợp hiểu rõ các quy định của pháp luật, song cố tình không chấp hành, đơn khiếu nại, tố cáo sai chiếm trên 70%.

- Về kết quả đạt được trong công tác Tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo thời gian qua, là do:

Nhận thức được tầm quan trọng và quan tâm đến công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo; coi đó là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp, các ngành. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Hàng năm UBND tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, về khiếu nại tố cáo đến các xã phường thị trấn; bồi dưỡng nghiệp vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cấp tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức công tác tiếp công dân, đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực và ngày càng đi vào nề nếp. Hầu hết, các vụ việc khiếu kiện mới phát sinh được giải quyết kịp thời, ngay từ cơ sở; các vụ việc khiếu kiện, đông người có nguy cơ phát sinh thành điểm nóng đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt; trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo có sự kết hợp vận động, thuyết phục và giải thích các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức của công dân về quyền và trách nhiệm khi thực hiện khiếu nại, tố cáo, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Thực hiện Thông tư số 02/2016/TT-TTCP ngày 20/10/2016 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn bổ sung về quy trình giải quyết khiếu nại, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 236/UBND-TCD ngày 10/01/2017 yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện đúng trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, trong đó thực hiện nghiêm việc tổ chức đối thoại; đồng thời, lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp tổ chức đối thoại, lắng nghe, giải thích và giải quyết kịp thời các nội dung khiếu nại, kiến nghị của công dân. Trong kỳ, năm 2016 lãnh đạo tỉnh đã tiếp dân định kỳ là 13 lượt; trong đó Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp tiếp công dân và chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ việc khiếu nại tồn tại, kéo dài hơn 20 năm. Trong 9 tháng 2017, lãnh đạo tỉnh đã tiếp 8 lượt theo định kỳ, tiếp đối thoại 12 vụ việc; trong đó, có vụ việc Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp và chỉ đạo xử lý trực tiếp các vụ việc khiếu nại tồn đọng, kéo dài nhiều năm.

Qua công tác tham mưu giải quyết đơn của công dân, các cấp các ngành đã quan tâm, tăng cường công tác vận động thuyết phục, giải thích đến người dân để từ đó người dân hiểu, đồng thuận với công việc của chính quyền. Thể hiện kết quả công dân có đơn rút nội dung khiếu nại ngày càng cao trong thời gian qua (số liệu 124 đơn).

- Về hạn chế, yếu kém, bất cập của chính quyền các cấp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức trên các lĩnh vực đời sống xã hội:

+ Công tác tiếp dân của lãnh đạo ở một số địa phương, đơn vị chưa được thực hiện đúng theo quy định. Một số trường hợp giải quyết khiếu nại còn chậm so với thời gian quy định;

+ Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức về công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về đất đai đến công dân tại địa phương; Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục người dân chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước trong thu hồi đất chưa tốt.

3. Những bài học kinh nghiệm

Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng để thực hiện các công trình quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế là một khâu quan trọng then chốt của quá trình phát triển. Tuy nhiên, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng là vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp liên quan đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội và cộng đồng dân cư, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, chủ đầu tư, đặc biệt là các hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi. Qua công tác tham mưu giải quyết khiếu nại về lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án, Thanh tra tỉnh rút ra bài học kinh nghiệm sau:

- Cần thực hiện tốt việc công khai minh bạch trong các hoạt động thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng. Lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng dân cư có liên quan; kịp thời trao đổi giải thích vận động người dân về chủ trương, quy định của pháp luật khi triển khai thực hiện dự án và sớm giải quyết các quyền lợi hợp pháp của công dân ngay từ ban đầu để tránh phát sinh khiếu kiện, tạo đồng thuận trong nhân dân.

- Cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc chấp hành pháp luật.

+ Phổ biến, tuyên truyền sâu rộng các Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các văn bản hướng dẫn thi hành luật cho cán bộ, công chức và nhân dân.

+ Tuyên truyền vận động ngay cả trong các hoạt động tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của các cơ quan tham mưu giải quyết đơn.

+ Tuyên truyền vận động trong việc Lãnh đạo các cấp tổ chức tốt việc đối thoại với người khiếu nại là một mấu chốt quan trọng để tìm hiểu nguyện vọng hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi, từ đó rút ra những tồn tại và hạn chế để điều chỉnh, xử lý kịp thời những vấn đề chưa thật sự hợp lý trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

- Giá bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, các chính sách hỗ trợ, tái định cư là yếu tố quan trọng nhất khi thực hiện các phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giải phóng mặt bằng. Vì vậy cần phải quản lý chặt chẽ về giá đất, xây dựng giá đất phù hợp, sát với thực tế.

- Xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là một việc làm khó khăn, trong lúc các chính sách về bồi thường thay đổi thường xuyên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này không đồng bộ, cần quan tâm hơn việc quản lý cũng cố hồ sơ đất đai tại địa phương.

Bài học kinh nghiệm từ thực tế cho thấy, khi quyền lợi của người dân được đảm bảo, hài hoà với lợi ích chung và khi người dân thông suốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước thì các dự án sẽ nhận được sự đồng thuận cao của người dân có đất bị thu hồi, từ đó, việc khiếu kiện sẽ ít phát sinh hơn.

4. Giải pháp khắc phục

- Thường xuyên rà soát, nghiên cứu xây dựng khung giá đất, tài sản đúng quy định pháp luật và phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay ở từng địa phương. Kiểm tra, rà soát những tồn tại, bất cập về trình tự, thủ tục, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của địa phương để tham mưu, kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

- Thực hiện đúng các quy định về quy chế dân chủ ở cơ sở, về trình tự thủ tục thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư, về tổ chức lấy ý kiến phương án bồi thường; trong đó cần tập trung nắm rõ số lượng ý kiến không đồng ý, số lượng ý kiến khác đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và hoàn chỉnh phương án trước trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

- Các đơn vị phải kịp thời báo cáo và phối hợp với các đơn vị liên quan cùng xem xét, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất để thực hiện dự án; đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền cần xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên để nhanh chóng giải quyết các vấn đề bất cập trong pháp luật về đất đai tạo thuận lợi cho việc thực hiện dự án.

- Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, chính sách pháp luật về đất đai và các văn bản luật khác liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo, đồng thời giải thích rõ ý nghĩa và lợi ích khi thực hiện các dự án để công dân hiểu đúng và tự giác chấp hành chủ trương của nhà nước; đặc biệt là tăng cường công khai, dân chủ khi thực hiện các chủ trương, chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với nhân dân nhằm tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Trong quá trình giải quyết khiếu nại phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể giải quyết đúng pháp luật nhưng đảm bảo quyền lợi chính đáng của công dân để công dân thông hiểu và chấm dứt khiếu nại ngay từ nơi phát sinh, tránh xảy ra những khiếu kiện phức tạp, kéo dài.

- Chủ động xử lý khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác đo đạc, quản lý hồ sơ địa chính. Đồng thời chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước để khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, thực hiện chính sách xã hội; thực hiện tốt chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, quan tâm giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi, đảm bảo có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước. Xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, các trường hợp tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai, trong thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

- Đối với quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thi hành, các Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất các huyện phải phối hợp cùng các cơ quan có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện, nhằm tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của công dân qua công tác giải quyết khiếu nại.

Ngoài các giải pháp khắc phục các tồn tại nêu trên, cần phải có một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai trong giai đoạn hiện nay như:

- Tăng cường thanh tra việc chấp hành pháp luật về các lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai; công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án; việc thực hiện các quy định pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng.

- Từng đơn vị, địa phương cần phối hợp với cơ quan cấp trên và tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp công dân, đối thoại với công dân trong việc giải quyết khiếu nại theo quy định pháp luật. Nâng cao chất lượng các buổi tiếp xúc, đối thoại, làm việc với công dân, người khiếu nại, tố cáo.

         - Các cơ quan chức năng cần chủ động, tăng cường theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình khiếu nại, tố cáo; đặc biệt là địa điểm xảy ra các vụ việc khiếu kiện đông người phức tạp; có biện pháp xử lý dứt điểm đối với các vụ việc tồn đọng kéo dài cũng như các vụ việc mới phát sinh; dự báo chính xác khả năng phát sinh tình huống để kịp thời ngăn chặn việc tập trung đông người, vượt cấp lên Trung ương./.
​Xuân Thu​ận

In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Select a date from the calendar.
Về đầu trang  
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THANH TRA TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm xuất bản: Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 1126, đường Phạm Văn Thuận, phường Tân Tiến, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: 0251.3822550; Fax: 0251.3816979; E-mail: vbthanhtra@dongnai.gov.vn
ĐĂNG NHẬP