Liên kết website
 

 HÌNH QUẢNG CÁO

 
Lượt truy cập
 

 Phòng chống tham nhũng

 
Những giải pháp triển khai Bộ chỉ số và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Đồng Nai năm 2016 Cập nhật: 14-04-2018 05:54
Đo lường tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng là một nội dung quan trọng của công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Thông qua đó, đánh giá được hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, đồng thời đánh giá được những khâu, những điểm mạnh, điểm yếu trong thực hiện giúp việc xác định nội dung chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống tham nhũng và từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu cấp tỉnh và quốc gia về công tác PCTN năm 2016.

​                      Ngày 09/3/2016, Thanh tra Chính phủ ban hành Kế hoạch số 401/KH-TTCP về đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) cấp tỉnh năm 2016 và thành lập Tổ công tác đánh giá. Trên cơ sở đó, Tổ công tác đã tổ chức xây dựng Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2016;

Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2016 kế thừa và tiếp thu những tiêu chí được xác định tại các văn bản như: Thông tư 11/2011/TT-TTCP ngày 09/11/2011 của Thanh tra Chính phủ Quy định tiêu chí nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, Thông tư 04/2014/TT-TTCP ngày 18/9/2014 của Thanh tra Chín phủ quy định nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, Thông tư 03/2013/TT-TTCP ngày 10/6/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng và các nội dung đã được quy định tại Thông tư 02/2012/TT-TTCP ngày 13/7/2012 của Thanh tra Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về PCTN.

Trên cơ sở các quy định của Thanh tra Chính phủ và dự thảo Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh của Tổ công tác; ngày 06/6/2016, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Quyết định số 1426/QĐ-TTCP phê duyệt “Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh”. Sau đó, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức 03 hội nghị tập huấn các bước triển khai, lập hồ sơ, xây dựng báo cáo và chấm điểm cho các công chức được giao nhiệm vụ thực hiện chấm điểm theo Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh tại địa phương của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực hiện Kế hoạch số 401/KH-TTCP ngày 09/3/2016 của Tổng Thanh tra Chính phủ về triển khai Dự án đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2016 và Công văn số 1431/TTCP-C.IV ngày 07/6/2016 của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc hướng dẫn triển khai báo cáo đánh giá công tác PCTN năm 2016, Thanh tra tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh triển khai và chấm điểm theo Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh của Thanh tra Chính phủ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Do các nội trong Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh quá mới, nhiều mục rất khó thực hiện nên cần phải có sự nghiên cứu, trao đổi với Thanh tra Chính phủ để triển khai thực tế tại tỉnh Đồng Nai. Từ đó bản thân đã suy nghĩ cần phải có “Những giải pháp triển khai Bộ chỉ số và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Đồng Nai năm 2016 mang lại hiệu quả, thiết thực và có tính khoa học khi triển khai, thực hiện Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2016.

Trong thời gian qua, công tác PCTN luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai chú trọng, quan tâm chỉ đạo Thủ trưởng các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ và toàn diện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực và đặc biệt là nghiêm túc thực hiện việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị để tất cả các cán bộ, công chức, viên chức (CBCC,VC) và nhân dân cùng giám sát nhằm kịp thời phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng; ý thức trách nhiệm về công tác PCTN của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân được nâng lên; vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân được củng cố, từng bước huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh chống tham nhũng.

So với năm 2015, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các chủ trương của Đảng và Nhà nước, công tác PCTN năm 2016 có những chuyển biến tích cực hơn trên cả nhận thức, hành động và trong phòng ngừa, xử lý hành vi tham nhũng.

Tuy nhiên, do tính chất khó khăn, phức tạp của công tác PCTN nên vẫn còn bộc lộ một số hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu lực, hiệu quả chưa cao và chưa thực sự ngăn chặn, đẩy lùi tình hình tham nhũng. Cụ thể: việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là việc công khai, minh bạch trong hoạt động ở một số đơn vị còn mang tính hình thức; việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ các đơn vị còn yếu; công tác phối hợp trong đấu tranh PCTN chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ; mặt khác, việc thực hiện chế độ thông tin về PCTN chưa kịp thời; việc tổ chức thực hiện kê khai tài sản, thu nhập và công khai bản kê khai ở một số đơn vị còn hình thức và chưa có các giải pháp kiểm tra, xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập.

Để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN trước hết cần coi trọng biện pháp giáo dục đạo đức cách mạng, coi việc giáo dục đạo đức cho công chức và xây dựng đội ngũ công chức trong sạch, liêm khiết là biện pháp quan trọng đầu tiên để hạn chế tham nhũng; mở các lớp tập huấn, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cho các đơn vị, địa phương để thực hiện tốt công tác PCTN tại đơn vị, địa phương mình; từng bước hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách quản lý và pháp luật về PCTN; phát huy tối đa vai trò của cơ quan chuyên trách về PCTN; xét xử nghiêm minh, kịp thời và công khai với những mức hình phạt thích đáng đối với các hành vi tham nhũng; phát huy vai trò tích cực của Nhân dân trong đấu tranh chống tham nhũng, trong những năm qua cho thấy, đa số các vụ tham nhũng bị đưa ra xử lý đều do phương tiện thông tin đại chúng, người dân phát hiện ra; đồng thời cần thành lập một tòa án đặc biệt để chống tham nhũng; tăng cường kiểm tra việc xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, sử dụng tài sản công theo quy định hiện hành; tăng cường công tác tự kiểm tra nội bộ, công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng; thành lập cơ quan độc lập chuyên trách theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương thực hiện công tác PCTN; mở rộng hình thức công khai minh bạch tài sản, thu nhập trước Nhân dân qua nhiều kênh truyền thông để cùng giám sát và phản hồi.

Kết quả đánh giá công tác PCTN theo Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh của Thanh tra Chính phủ, tỉnh Đồng Nai đạt 70,25 điểm nằm trong 10 tỉnh dẫn đầu cả nước có số điểm cao. Qua đánh giá công tác PCTN theo Bộ chỉ số, việc áp dụng những giải pháp triển khai Bộ chỉ số và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Đồng Nai năm 2016 mang lại hiệu quả thiết thực, những giải pháp đó là:

Thứ nhất, khi nhận được chỉ đạo thực hiện việc đánh giá công tác PCTN theo Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh của Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh, Lãnh đạo Thanh tra tỉnh đã kịp thời, tập trung chỉ đạo Phòng Thanh tra phòng, chống tham nhũng nghiên cứu sâu các nội dung của Bộ chỉ số để tìm ra những điểm khó thực hiện nhất để từ đó cùng Lãnh đạo cơ quan tìm ra giải pháp thực hiện có hiệu quả. Những giải pháp được tập trung thực hiện đó là: Thực hiện hướng dẫn thật chi tiết trong việc xây dựng hồ sơ, tài liệu, báo cáo; sáng tạo giúp các đơn vị dễ thực hiện, đặc biệt là cải tiến lại các chỉ tiêu, các công chức tính.

Thứ hai, phân công 01 công chức chuyên trách cùng 01 lãnh đạo Phòng Thanh tra phòng, chống tham theo dõi, tổng hợp và hướng dẫn chuyên sâu để tiếp nhận, phân tích, lập hồ sơ đánh giá công tác PCTN theo Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh của Thanh tra Chính phủ. Việc nghiên cứu và áp dụng đầy đủ các tiêu chí, các công thức tính và xây dựng hồ sơ, tài liệu, báo cáo hoàn chỉnh báo cáo đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng để hạn chế hiện tượng hình thức trong phòng, chống tham nhũng.

Thứ ba, nghiên cứu và áp dụng nguyên tắc đánh giá dựa trên bằng chứng, qua đó đảm bảo được sự khách quan, toàn diện trong đánh giá, các đánh giá đều phải đáp ứng được yêu cầu bằng chứng cụ thể; qua đó có thể phản ánh khá chính xác về tình hình thực hiện công tác PCTN hiện nay trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, là việc thu thập bằng chứng, tự đánh giá, cho điểm theo phạm vi được đồng chí Phó Chánh Thanh tra tỉnh theo dõi, chỉ đạo Phòng Thanh tra phòng, chống tham nhũng nghiên cứu phương pháp tổng hợp thông tin khoa học, dễ thực hiện trong việc làm cơ sở để đánh giá, cách cho điểm, cách thức thu thập bằng chứng và xây dựng báo cáo đánh giá của từng Sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh.

Hiệu quả cụ thể được mang lại là:

- Đo lường tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng là một nội dung quan trọng của công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Thông qua đó, đánh giá được hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, đồng thời đánh giá được những khâu, những điểm mạnh, điểm yếu trong thực hiện giúp việc xác định nội dung chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống tham nhũng và từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu cấp tỉnh và quốc gia về công tác PCTN năm 2016.

- Phương pháp đánh giá được nghiên cứu, hướng dẫn khoa học đã khuyến khích được những nỗ lực của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tham gia thực hiện và hoàn thành báo cáo theo đúng biểu mẫu, hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ; sản phẩm là sự nỗ lực, tổng hợp của nhiều bên dựa trên những tài liệu, chứng cứ xác định do các cơ quan, đơn vị cung cấp.

- Kết quả đánh giá công tác PCTN năm 2016 là những bằng chứng để từ đó kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật về đánh giá công tác PCTN nhằm nâng cao hiệu quả đánh giá công tác PCTN của UBND tỉnh Đồng Nai.

Qua kết quả đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng bằng Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh của Thanh tra Chính phủ giúp cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về công tác PCTN;

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác PCTN. Xác định công tác PCTN phải được đặc biệt quan tâm, đầu tư đúng mức có chiều sâu và thiết thực.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách về PCTN, giữa cơ quan PCTN với cơ quan truyền thông, báo chí, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác PCTN và phổ biến các quy định pháp luật về PCTN tới đông đảo quần chúng nhân dân.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc chấp hành các quy định pháp luật về PCTN, gắn với việc thực hiện chức trách công vụ của cán bộ, công chức; đồng thời thường xuyên chỉ đạo công tác kiểm tra về PCTN ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình.

 PCTN1.jpg

 

 


Ông Trịnh Ngọc Quỳnh  – Phó Chánh Thanh tra tỉnh tác giả của Những giải pháp triển khai Bộ chỉ số và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Đồng Nai năm 2016 - Ảnh 1: Q.K (TTT Đồng Nai)

Trien-khai-bo-chi-so-nam-2018.JPG 
 
 

Buổi họp triển khai Bộ chỉ số và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng
 tại tỉnh Đồng Nai năm 2018
- Ảnh 2: Q.K (TTT Đồng Nai)

 

                                                Lê Quang Kiệm (Thanh tra tỉnh Đồng Nai)

In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Select a date from the calendar.
 
Về đầu trang  
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THANH TRA TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm xuất bản: Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 1126, đường Phạm Văn Thuận, phường Tân Tiến, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: 0251.3822550; Fax: 0251.3816979; E-mail: vbthanhtra@dongnai.gov.vn
ĐĂNG NHẬP