Liên kết website
 

 HÌNH QUẢNG CÁO

 
Lượt truy cập
 

 Thông tin báo cáo

 
MỘT SỐ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG TỔ CHỨC THỰC HIỆN KẾT LUẬN THANH TRA VÀ KIẾN NGHỊ ĐỀ XUẤT Cập nhật: 20-11-2018 11:13
Theo quy định của Luật thanh tra năm 2010, các Nghị định và Thông tư hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương…
 

​           Theo quy định của Luật thanh tra năm 2010, các Nghị định và Thông tư hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương có quy định và hướng dẫn việc thực hiện xử lý thu hồi tiền, tài sản sai phạm phát hiện qua thanh tra, nhưng chưa  quy định chi tiết, cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền của các cơ quan liên quan trong quá trình phối hợp thực hiện, biện pháp cưỡng chế để xử lý thu hồi tiền, tài sản sai phạm phát hiện qua thanh tra, cụ thể:

- Tại Điều 41 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ  Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra năm 2010 quy định về xử lý trường hợp đối tượng thanh tra không chấp hành quyết định thu hồi tiền, tài sản của cấp có thẩm quyền thì người ra quyết định thanh tra có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản để phục vụ việc thanh tra.

- Tại Điều 42 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ đã quy định về thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra; tuy nhiên trong thực tế còn gặp khó khăn do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng thanh tra và các tổ chức, cá nhân bị xử lý còn hạn chế; có những trường hợp cố ý chây ỳ hoặc trốn tránh việc thực hiện kết luận thanh tra nhưng không được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh; việc phối hợp với các cơ quan như ngân hàng, kho bạc, tài nguyên và môi trường,.... để phong tỏa tài sản chưa có quy định cụ thể dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện.

- Tại Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra; trong đó có quy định trình tự, thủ tục xử lý các sai phạm về kinh tế phát hiện sau thanh tra như: Thu hồi tiền, quyền sử dụng đất, tài sản khác bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra; nhưng Nghị định không quy định về trình tự, thủ tục kê biên, định giá, cưỡng chế, bán đấu giá tài sản thu hồi tiền sai phạm của đối tượng thanh tra. Do đó, còn khó khăn trong việc sử dụng biện pháp chế tài buộc đối tượng thanh tra phải chấp hành quyết định thu hồi tiền, tài sản của cơ quan có thẩm quyền.

- Tại Thông tư số 07/2015/TTLT-TTCP-NHNN ngày 25/11/2015 của Tổng Thanh tra Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng nhà nước hướng dẫn việc phong toả tài khoản của đối tượng thanh tra; trong đó quy định thẩm quyền, nguyên tắc, trình tự, thủ tục phong toả tài khoản của đối tượng thanh tra tại ngân hàng nơi đối tượng thanh tra mở tài khoản. Tuy nhiên, thông tư chỉ quy định tổ chức tín dụng hỗ trợ ngành thanh tra phong toả tài khoản; không quy định tổ chức tín dụng được quyền trích thu số tiền sai phạm theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, Cơ quan thanh tra khó có thể thu hồi được tiền sai phạm.

* Nguyên nhân về pháp luật và thực tiễn:

- Nguyên nhân về pháp luật: Một phần do các văn bản quy phạm pháp luật chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền, nguyên tắc, trình tự, thủ tục để cưỡng chế xử lý thu hồi tiền đối với các đối tượng thanh tra không chấp hành quyết định thu hồi tiền sai phạm của cơ quan có thẩm quyền. Quyền hạn và hiệu lực của kết luận thanh tra còn hạn chế; các cơ quan thanh tra chỉ dừng lại ở quyền kiến nghị, chưa có quyền tổ chức cưỡng chế thu hồi tiền và tài sản bị chiếm đoạt cho nên tính hiệu quả thường không cao và phụ thuộc vào thái độ chấp hành và biện pháp thực hiện các kiến nghị của các cơ quan, đơn vị được các cơ quan thanh tra kiến nghị tại kết luận thanh tra.

- Nguyên nhân từ thực tiễn: Việc phối hợp với các cơ quan như ngân hàng, kho bạc,... để phong tỏa tài sản; việc sử dụng biện pháp chế tài buộc đối tượng thanh tra phải chấp hành quyết định thu hồi tiền, tài sản của cơ quan có thẩm quyền còn gặp khó khăn trong việc thực hiện. Về thời hạn thực hiện kết luận thanh tra, thực tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thời gian qua có một vài kết luận thanh tra có tính chất và nội dung phức tạp liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau dẫn đến việc thực hiện kết luận thanh tra còn chậm so với quy định.

* Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra: 

- Đề xuất Thanh tra Chính phủ kiến nghị Chính phủ bổ sung Nghị định s86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ; trong đó bổ sung quy định các tổ chức tín dụng được quyền chuyển số tiền sai phạm trong tài khoản của đối tượng thanh tra mở tại tổ chức tín dụng nộp ngân sách Nhà nước theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền khi đối tượng thanh tra cố tình không chấp hành quyết định.

- Đề xuất Thanh tra Chính phủ kiến nghị Chính phủ bổ sung Nghị định s33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục kê biên, định giá tài sản, cưỡng chế bán đấu giá thu hồi tài sản của đối tượng thanh tra (ngoài việc phong toả tài khoản) để xử lý thu hồi tiền sai phạm.

Tuấn Đỗ

      Phòng GSKT&XLSTT


In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Select a date from the calendar.
 
Về đầu trang  
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THANH TRA TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm xuất bản: Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 1126, đường Phạm Văn Thuận, phường Tân Tiến, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: 0251.3822550; Fax: 0251.3816979; E-mail: vbthanhtra@dongnai.gov.vn
ĐĂNG NHẬP