Liên kết website
 

HÌNH QUẢNG CÁO

 
Lượt truy cập
 

Tin trong ngành

 
Hội nghị tập huấn báo cáo viên pháp luật quý I/2019 Cập nhật: 15-03-2019 01:43
Ngày 13/3/2019, Sở Tư pháp Đồng Nai tổ chức Hội nghị tập huấn báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh.
 

​           Ngày 13/3/2019,  Sở Tư pháp Đồng Nai tổ chức Hội nghị tập huấn báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh tham dự, để cập nhật kiến thức pháp luật được thường xuyên, kịp thời.

Tại lễ khai mạc, ông Ngô Văn Toàn - Phó Giám đốc Sở Tư pháp nêu rõ Hội nghị tập huấn là dịp để báo cáo viên tìm hiểu và cập nhập kiến thức mới về quan điểm, chủ trương, đường lối, pháp luật của Đảng và Nhà nước; đặc biệt, trong Hội nghị hôm nay, sẽ được các báo cáo viên giàu kinh nghiệm truyền đạt 02 chuyên đề quan trọng, đó là:

- Luật Quốc phòng số 22/2018/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV được thông qua ngày 08 tháng 6 năm 2018, có hiệu lực thi hành ngày 01 tháng 01 năm 2109.

- Nghị quyết số 72/2018/NQ-QH14 về phê chuẩn Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và các văn kiện liên quan được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 12 tháng 11 năm 2018.

 chichi01.jpg
 

(Ông Ngô Văn Toàn - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tại lễ khai mạc Hội nghị tập huấn Báo cáo viên pháp luật quý I/2019)

Sau khi kết thúc phát biểu khai mạc, Hội nghị bắt triển khai chuyển đề đầu tiên: Luật Quốc phòng do Đại tá Nguyễn Công Anh - Trưởng phòng Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Quân khu  7 trực tiếp báo cáo.

 

                          chichi02.jpg
               (Đại tá Nguyễn Công Anh - Trưởng phòng Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Quân khu  7 tại Hội nghị tập huấn)

 

Qua nội dung triển khai thể hiện: Luật Quốc phòng năm 2018 gồm 7 Chương, 40 Điều; giảm 2 Chương, 11 Điều so với Luật Quốc phòng năm 2005

Luật Quốc phòng năm 2018 gồm 17 điểm mới cơ bản được bổ sung, đó là:

Một là, Luật Quốc phòng năm 2018 đã bổ sung giải thích từ ngữ như: Quân sự; chiến tranh nhân dân; phòng thủ đất nước; chiến tranh thông tin; thảm họa (Điều 2); phòng thủ quân khu (khoản 1 Điều 8); phòng thủ dân sự (khoản 1 Điều 13); kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng (khoản 1 Điều 15); công tác quốc phòng ở bộ, ngành trung ương và địa phương (khoản 1 Điều 16) nhằm thống nhất nhận thức trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về quốc phòng.

Hai là, đã quy định đầy đủ, toàn diện chính sách nhà nước về quốc phòng (Điều 4) nhằm bảo đảm công khai, minh bạch về tính chất, mục đích quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân để bảo vệ Tổ quốc. 

Đặc biệt Luật Quốc phòng năm 2018 đã bổ sung quy định chính sách của nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân, công nghiệp quốc phòng, an ninh để phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ba là, đã bổ sung quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực quốc phòng (Điều 6), nhất là bình đẳng giới, phù hợp với Điều 14 của Hiến pháp năm 2013.

Bốn là, về nền quốc phòng toàn dân, Luật Quốc phòng năm 2018 đã quy định cụ thể 11 nội dung cơ bản xây dựng nền quốc phòng toàn dân (khoản 2 Điều 7). Đây là nội dung cơ bản có tính xuyên suốt của hoạt động quốc phòng.

Năm là, Luật đã bổ sung quy định về các biện pháp chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng (tại điểm e khoản 2 Điều 7, điểm c khoản 2 Điều 8, điểm đ khoản 2 Điều 9) nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc tại các nghị quyết như: Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Quốc phòng Việt Nam và Kết luận số 31-KL/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Quân sự Việt Nam.

Sáu là, về phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ:

- Luật đã bổ sung quy định về phòng thủ quân khu (Điều 8) để phù hợp với Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về Tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới, tạo hành lang pháp lý và khắc phục những vướng mắc, bất cập trong xây dựng và hoạt động phòng thủ quân khu thời gian qua, phù hợp với thực tiễn xây dựng và lịch sử phát triển trên 70 năm của các quân khu.

- Quy định đối ngoại là một trong những tiềm lực trong khu vực phòng thủ (điểm b khoản 2 Điều 9). Đây là sự phát triển mới, nhằm thể chế quan điểm của Đảng bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa;

- Bổ sung quy định khu vực phòng thủ Thủ đô Hà Nội là bộ phận hợp thành phòng thủ đất nước (tại khoản 3 Điều 9), để phù hợp với tính chất nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô Hà Nội và Luật Thủ đô.

 Bảy là, quy định công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 13), nhằm xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh trong một chỉnh thể thống nhất, không tách rời nhau, do nhà nước quản lý, điều hành, phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, nhất là Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Ban chấp hành Trung ương và Điều 68 Hiến pháp năm 2013.

Tám là, về kết hợp quốc phòng với kinh tế-xã hội, kinh tế-xã hội với quốc phòng, Luật đã quy định đầy đủ, toàn diện về trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Quốc phòng trong việc cho ý kiến, tham gia thẩm định đối với việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án của các bộ, ngành, địa phương phù hợp với Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan (điểm d khoản 2 Điều 15).

Đồng thời, quy định một số dự án đầu tư xây dựng ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng phải có tính lưỡng dụng, sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng (điểm e khoản 2 Điều 15) để thể chế Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Kết luận số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Quân sự Việt Nam.

Chín là, về công tác quốc phòng ở bộ, ngành và địa phương, Luật đã quy định bộ, ngành trung ương có ban chỉ huy quân sự (khoản 2 Điều 16) để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Ban CHQS bộ, ngành Trung ương; địa phương có cơ quan thường trực công tác quốc phòng là cơ quan quân sự địa phương cùng cấp (khoản 3 Điều 16) để phù hợp với thực tiễn đã và đang thực hiện.

Mười là, quy định về hạn chế quyền con người, quyền công dân trong thực hiện Lệnh thiết quân luật (khoản 6 Điều 21), giới nghiêm (khoản 5 Điều 22) để phù hợp với Điều 14 Hiến pháp  năm 2013: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.

Mười một là, về nguyên tắc hoạt động và trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân, Luật đã quy định đầy đủ các trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân (khoản 2 Điều 24) nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, khắc phục chồng chéo về nhiệm vụ của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Dân quân tự vệ trong các trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân.

Mười hai là, về Quân đội nhân dân, Luật đã quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ Quân đội nhân dân (khoản 2 Điều 25), nhằm thể chế chủ trương, quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về Quân đội nhân dân, phù hợp với truyền thống và thực tiễn xây dựng chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân hơn 70 năm qua.

Quy định Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu; một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại (khoản 3 Điều 24) nhằm thể chế Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Kết luận số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Quân sự Việt Nam.

Mười ba là, đối với Công an nhân dân, Luật đã quy định đầy đủ, toàn diện về Công an nhân dân (Điều 26), nhất là ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng của Công an nhân dân để thể chế Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Mười bốn là, về bảo đảm quốc phòng, Luật đã quy định về bảo đảm nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính, tài sản phục vụ quốc phòng, bảo đảm phục vụ quốc phòng trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại (Chương V) bảo đảm toàn diện, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan.

Mười năm là, về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng về quốc phòng, Luật đã quy định về nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng trong duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, các cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoản 2 Điều 35) để thống nhất với Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, phù hợp với 07 Nghị quyết và 01 Kết luận của Trung ương về nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển thuộc Bộ Quốc phòng.

Mười sáu là, về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức về quốc phòng, Luật đã quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ (Điều 34), bộ, ngành trung ương (Điều 36), Hội đồng nhân dân các cấp (Điều 37). Ủy ban nhân dân các cấp (Điều 38), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận (Điều 39) phù hợp với các luật có liên quan, nhằm tạo cơ sở pháp lý để các chủ thể thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình về quốc phòng.

Mười bảy là, ngoài ra Luật Quốc phòng năm 2018 đã luật hóa một số quy định tại một số văn bản dưới luật về quốc phòng, an ninh, phòng thủ dân sự để bảo đảm hiệu lực pháp lý cao hơn.

Chuyên đề thứ hai: “Nghị quyết số 72/2018/NQ-QH14 về phê chuẩn Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và các văn kiện liên quan được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 12 tháng 11 năm 2018”, do đồng chí Nguyễn Đăng Hoài - Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác Tuyên giáo  - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trực tiếp báo cáo.

Đây là Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership, viết tắt là Hiệp định CPTPP) cùng các văn kiện liên quan được ký ngày 08 tháng 3 năm 2018 tại thành phố San-ti-a-gô, Cộng hòa Chi-lê. Toàn văn Hiệp định CPTPP ghi tại Phụ lục 01 kèm theo Nghị quyết này.

                             

                                                 Mỹ Chi – Văn phòng


In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Select a date from the calendar.
Về đầu trang  
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THANH TRA TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm xuất bản: Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 1126, đường Phạm Văn Thuận, phường Tân Tiến, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: 0251.3822550; Fax: 0251.3816979; E-mail: vbthanhtra@dongnai.gov.vn
ĐĂNG NHẬP