Liên kết website
 

 HÌNH QUẢNG CÁO

 
Lượt truy cập
 

 Tổ chức đoàn thể

 
Tuyên truyền kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam Việt Nam (10/8/1961-10/8/2021) Cập nhật: 02-06-2021 04:01
Kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam Việt Nam (10/8/1961-10/8/2021)

 

Nhằm tuyên truyền kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam Việt Nam (10/8/1961-10/8/2021), đến cán bộ, công chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Ban Tuyên giáo Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh đã có Văn bản số 86-CV/BTGĐUK ngày 26/5/2021 gửi đề cương tuyên truyền đến các cấp ủy cơ sở trực thuộc, theo đó, Chi bộ Thanh tra tỉnh đã triển khai đến các công chức, đảng viên, đoàn viên và người lao động tại cơ quan biết. Nội dung tuyên truyền chủ yếu như sau:

Thảm họa da cam ở Việt Nam. Thực tế chứng minh, cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Chất độc da cam (viết tắt là CĐDC) đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người. Đặc biệt là CĐDC có thể di truyền qua nhiều thế hệ; ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ tư

Thảm họa da cam ở Đồng Nai: Đồng Nai là một tỉnh miền Đồng Nam Bộ, có sân bay Biên Hòa là một trong 10 tỉnh bị phun rải hóa chất nặng nề nhất, gần 10/80 triệu lít chất độc hóa học trong đó, 50% là chất da cam đã được quân đội Mỹ phun rải trên 56% tổng diện tích đất rừng, đất nông nghiệp, đất trồng cây cao su, nhiều khu vực bị phun rải nhiều lần, nhất là, khu vực Trị An, Hiếu Liêm, Mã đà, Gia Huynh, Trảng Táo, Núi Mây Tàu, Nam Bắc lộ, lộ 51, đặc khu rừng Sác, xã Sông Ray và Sông Đồng Nai.

Sân Bay Biên Hòa là kho lưu trữ, nạp các chất diệt cỏ (có chất dioxin) lên máy bay đi phun rải, tẩy rửa máy bay sau phun rải hiện vẫn còn tồn lưu nồng độ dioxin cao. Đến nay, đã xây dựng công trình ngăn chặn tạm thời lan tỏa của dioxin ra môi trường xung quanh và chôn cô lập trên ngàn mét khối đất bị nhiễm dioxin cao tại sân bay Biên Hòa. Hiện nay, đang thực hiện dự án tẩy độc dioxin tại sân bay Biên Hòa.

Đồng Nai qua khảo sát có 13.147 người bị phơi nhiễm dioxin, trong đó có 9.160 người là nạn nhân CĐDC, nạn nhân hiện nay còn sống là 8.894 người, (cán bộ kháng chiến và con cán bộ kháng chiến 3.257 người) được hưởng chính sách ưu đãi nhà nước: 2.483 người, còn 774 người chưa được trợ cấp ưu đãi do thất lạc giấy tờ, bệnh tật chưa đến mức trợ cấp. Dân thường 5.637 người, được hưởng trợ cấp xã hội 2.962 người.

CĐDC của Mỹ đã hủy diệt thiên nhiên cây cỏ, hủy diệt sức khỏe con người, gây nhiều bệnh tật nặng nề, gây nhiều biến đổi gen di truyền qua mẹ hoặc cha, gây tai biến sinh sản, quái thai, dị dạng, dị tật của những đứa con sinh ra, gây ra những căn bệnh quái ác, di truyền cả đời con, đời cháu, họ đã và đang chết dần chết mòn, đau đớn về cả thể xác và tinh thần. Trong số đó có rất nhiều cảnh ngộ bi đát, tuyệt vọng vì bệnh tật, nghèo khó, cô đơn không nơi nương tựa, họ sống đau khổ hơn cái chết, nhất là, những gia đình có từ 02 nạn nhân trở lên.

Công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học đối với môi trường và đối với sức khỏe con người và chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC.

Qua đó, còn một số hạn chế, bất cập:

Một số văn bản quy định, điều chỉnh, hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân CĐDC chưa đồng bộ, thống nhất; việc hướng dẫn, triển khai thực hiện còn vướng mắc, nhất là, khi nạn nhân CĐDC không còn giấy tờ chứng minh  từng tham gia chiến đấu ở vùng bị rải chất độc hóa học và bị phơi nhiễm chất độc hóa học, nên không có cơ sở để được hưởng chế độ. Một số chế độ đối với người bị phơi nhiễm chất độc hóa học chưa phù hợp.

Chưa kịp thời bổ sung, chỉnh sửa danh mục bệnh tật, dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học cho phù hợp với tình hình thực tế.

Còn nhiều người hoạt động kháng chiến trong vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học, nhưng chưa được giám định, hoàn chỉnh hồ sơ để hưởng chính sách đối với với nạn nhân CĐDC. Chưa có chính sách, giải pháp hỗ trợ cho những người đã và đang công tác, sinh sống ở các vùng bị rải chất độc hóa học trước đây bị bệnh hiểm nghèo và sinh con dị dạng, dị tật, hoặc có nguy cơ cao nhiễm CĐDC sau 30 tháng 4 năm 1975, kể cả các hộ dân đang sinh sống ở các vùng được xác định là “điểm nóng” về ô nhiễm chất độc hóa học; chưa có chế độ trợ cấp cho thế hệ cháu (F2) của nạn nhân CĐDC.

Hoàn cảnh ra đời Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam (VAVA) - Tổ chức duy nhất đại diện cho các nạn nhân CĐDC Việt Nam

Cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã gây ra những tác hại rất to lớn và lâu dài đối với đất nước ta. Đặc biệt, tác hại của CĐDC đối với sức khỏe con người có thể còn kéo dài qua nhiều thế hệ.

Giải quyết hậu quả CĐDC, hàn gắn vết thương chiến tranh vừa là lương tâm, trách nhiệm, đạo lý đối với những người đã chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vừa là vấn đề xã hội nhân đạo đối với đồng bào ở những vùng bị ảnh hưởng CĐDC, vừa là chính trị và ngoại giao trong hoàn cảnh mới.

Trong bối cảnh đó, ngày 10 tháng 01 năm 2004, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam chính thức ra mắt hoạt động (Hội được thành lập theo Quyết định số 84/2003/QĐ-BNV, ngày 17 tháng 12 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ). Bà Nguyễn Thị Bình, Nguyên Phó Chủ tịch nước được suy tôn làm Chủ tịch danh dự; Thượng tướng Đặng Vũ Tiệp, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam giữ chức Chủ tịch đầu tiên của Hội.

Đến nay, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam đã trải qua 04 kỳ Đại hội, Chủ tịch Hội hiện nay là Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Những vấn đề cơ bản về Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam

Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam là tổ chức xã hội có tính chất đặc thù (Hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ), là Hội của những nạn nhân CĐDC và các cá nhân tự nguyện đóng góp công sức, trí tuệ, tiền, vật chất để giúp đỡ những nạn nhân CĐDC, khắc phục hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Hội được thành lập nhằm vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài giúp đỡ nạn nhân CĐDC hòa nhập cộng đng xã hội; tập hợp đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; giáo dục, động viên nạn nhân vượt khó vươn lên, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống và thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi của người công dân.

Hội đại diện cho các nạn nhân CĐDC trong các mối quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trong đấu tranh đòi chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do họ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Hội được tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách; tư vấn, phản biện và giám định xã hội các cơ chế, chính sách đối với nạn nhân CĐDC.

Hội hoạt động trong phạm vi cả nước; có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Hội có mối quan hệ, hợp tác với hơn 60 tổ chức nhà nước, tổ chức phi Chính phủ của các nước trên thế giới.

Sự ra đời và hoạt động của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Đồng Nai

Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Đồng Nai được UBND tỉnh cho phép thành lập ngày 29/12/2006, đến nay Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Đồng Nai đã trải qua 03 kỳ Đại hội. Sau thành lập Hội cấp tỉnh, lần lượt 11 Hội/11 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập.

Đến năm 2016, được sự chấp thuận của UBND tỉnh và UBND tỉnh đã ủy quyền cho Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố ra quyết định thành lập Hội các xã, phường, thị trấn. Tỉnh Hội đã hướng dẫn đồng loạt tổ chức Đại hội thành lập Hội các xã, phường, thị trấn nơi đủ điều kiện.

Đến nay, toàn tỉnh có 01 Hội cấp tỉnh, 11 Hội/11 cấp huyện, 157 Hội/170 cấp xã (còn 13 cấp xã không có nạn nhân nên không thành lập tổ chức Hội) đạt tỷ lệ 100% xây dựng Hội cả ba cấp. Cả ba cấp Hội đều được hỗ trợ kinh phí hoạt động. Tổng số hội viên toàn tỉnh hiện nay 6.619 hội viên (hội viên chính thức 6.230 hội viên, hội viên danh dự 389 hội viên).

Từ khi thành lập đến nay, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Đồng Nai đã làm tốt nhiệm vụ chính trị - xã hội được giao, chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nạn nhân CĐDC, đại diện cho các nạn nhân CĐDC trong quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế và cùng với Trung ương Hội đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân.

Một số Khẩu hiệu nhằm kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam Việt Nam

1. NHIỆT LIỆT HƯỞNG ỨNG PHONG TRÀO “HÀNH ĐỘNG VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM VIỆT NAM”

2. TÍCH CỰC THAM GIA HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 60 NĂM THẢM HỌA DA CAM Ở VIỆT NAM (10/8/1961-10/8/2021)

3. NỖI ĐAU DA CAM - NỖI ĐAU DÂN TỘC - NỖI ĐAU NHÂN LOẠI

4. CHUNG TAY XOA DỊU NỖI ĐAU DA CAM

5. ỦNG HỘ CUỘC ĐẤU TRANH ĐÒI CÔNG LÝ CHO NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM VIỆT NAM

6. ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Bảo Thuận - CĐCS Thanh tra tỉnh​


In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Select a date from the calendar.
 
Về đầu trang  
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THANH TRA TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm xuất bản: Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 1126, đường Phạm Văn Thuận, phường Tân Tiến, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: 0251.3822550; Fax: 0251.3816979; E-mail: vbthanhtra@dongnai.gov.vn
ĐĂNG NHẬP