Liên kết website
 

HÌNH QUẢNG CÁO

 
Lượt truy cập
 

Phòng chống tham nhũng

 
PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG Cập nhật: 26-10-2021 07:14
“Các giai đoạn phát triển của pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở nước ta từ năm 1945 đến nay”

 

Tham nhũng là một hiện tượng xã hội gắn liền với sự hình thành giai cấp và sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước. Theo Ngân hàng Thế giới, tham nhũng là một trong những trở ngại lớn nhất đối với ổn định xã hội và phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.

Một số khái niệm tham nhũng ở một số nước trên thế giới: Ở nước Đức: Tham nhũng là hiện tượng mất phẩm chất, hối lộ, đút lót, thường xảy ra đối với công chức có quyền hành; Ở nước Áo: Tham nhũng là hiện tượng lừa đảo, hối lộ, bóc lột; Ở nước Thụy Sĩ: Tham nhũng là hậu quả nghiêm trọng của sự vô tổ chức của tầng lớp có trách nhiệm trong bộ máy nhà nước. Đó là hành vi phạm pháp để phục vụ lợi ích cá nhân. …

Hiện nay, do sự phát triển của kinh tế xã hội trên thế giới, khái niệm tham nhũng còn được hiểu một cách rộng rãi hơn với những cách tiếp cận khác nhau. Theo Ngân hàng thế giới định nghĩa tham nhũng là “sự lạm dụng chức vụ công để tư lợi”, cơ quan hợp tác và phát triển quốc tế (OECD) cũng định nghĩa tham nhũng là “sự lạm dụng chức vụ, vai trò và nguồn lực công để trục lợi cá nhân”, theo tổ chức Minh bạch quốc tế: “tham nhũng là bao gồm hành vi vi phạm của công chức trong khu vực công, dù là chính trị gia hay công chức dân sự, trong đó họ làm giàu một cách không đúng đắn hoặc bất hợp pháp cho bản thân hay cho người thân của mình bằng cách lạm dụng quyền lực công đã giao cho họ”, theo cuốn Từ điển Black Law định nghĩa: “Tham nhũng là hành vi cố ý làm trái, lợi dụng công vụ nhằm trục lợi cho cá nhân hoặc cho nhũng kẻ có liên quan tới hành động đó mà trái với quyền lợi của người khác”. Mở rộng khái niệm tham nhũng tới khu vực tư nhân, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cho rằng: “Tham nhũng là sự lợi dụng chức vụ công hoặc tư để tư lợi”. Theo từ điển tiếng Việt thì: “Tham nhũng là lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu dân và lấy của”.

Mặc dù được thể hiện theo những cách khác nhau, song tham nhũng được hiểu khá thống nhất trong văn hóa pháp lý của các nước trên thế giới là việc lợi dụng vị trí, quyền hạn, thực hiện hành vi trái pháp luật nhằm trục lợi cá nhân, hay nói một cách khác tham nhũng là việc sử dụng hoặc chiếm đoạt bất hợp pháp công quyền hay nguồn lực tập thể.

Pháp luật về phòng chống tham nhũng là tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành điều chỉnh các quan hệ xã hội  trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng.

Pháp luật về phòng chống tham nhũng xác định các hành vi tham nhũng và các chế tài tương ứng, điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể trong hoạt động phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.

Đó là các quy định tạo cơ sở pháp lý để nhận diện tham nhũng, tạo khuôn khổ pháp lý để phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; là cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong phòng, chống tham nhũng trong việc phát hiện hành vi tham nhũng. Nó còn bao gồm các quy định về vai trò và trách nhiệm cũng như các khả năng để người dân tham gia vào nỗ lực chung của nhà nước phòng chống tham nhũng cũng như tạo điều kiện thực hiện hợp tác quốc tế trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng …

Như vậy, theo nghĩa rộng, thì pháp luật phòng, chống tham nhũng bao gồm rất nhiều văn bản, quy phạm pháp luật thuộc nhiều ngành luật: hình sự, hành chính, dân sự, kinh tế, quốc tế… Tuy nhiên, bài viết này tôi chỉ đề cập đến pháp luật về phòng, chống tham nhũng trên cơ sở các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng, nhất là từ khi Pháp lệnh Phòng, chống tham nhũng năm 1998, văn bản chuyên biệt đầu tiên trong lĩnh vực này ra đời và sau đó là Luật Phòng, chống tham nhũng ban hành năm 2005 với ba lần sửa đổi vào các năm 2007, 2012 và 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành và các biện pháp triển khai thực hiện.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân Chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước thực sự là bộ máy phục vụ cho lợi ích của nhân dân Việt Nam. Ngay từ khi thành lập, chính quyền non trẻ đã bắt tay ngay vào công cuộc kiến thiết đất nước đồng thời sẵn sàng chống lại âm mưu xâm lược của các thế lực thù địch bên ngoài. Đảng ta đã chỉ rõ: muốn đấu tranh thắng lợi với kẻ thù và vượt qua mọi khó khăn, đòi hỏi Đảng phải huy động tất cả sức mạnh của toàn thể dân tộc, thực hiện khối đại đoàn kết toàn dân, nhất là phải xây dựng và cũng cố chính quyền nhân dân. Đảng và Nhà nước ta xác định “giữ vững chính quyền là nhiệm vụ hàng đầu”. Lúc đó, chúng ta chưa có một hệ thống pháp luật làm cơ sở cho việc quản lý của chính quyền cho nên chính quyền tỏ ra lúng túng đồng thời cũng bắt đầu có hiện tượng một số người cố tình lợi dụng địa vị của mình trong bộ máy chính quyền để mưu lợi ích cá nhân, tham ô, lãng phí… Thấy trước nguy cơ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã thảo luận để thành lập một tổ chức để giám sát hoạt động của các cơ quan chính quyền nhà nước, ngăn chặn và xử lý ngay những hành vi vi phạm, bảo đảm sự trong sạch của chính quyền nhân dân. Ngày 23 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt với chức năng giám sát, kiểm soát hoạt động của các cơ quan chính quyền và nhân viên nhà nước. Sắc lệnh đã giao cho Ban Thanh tra đặc biệt thực hiện việc: Nhận đơn khiếu nại của nhân dân; Điều tra, hỏi chứng, xem xét tài liệu, giấy tờ của các Ủy ban nhân dân hoặc các cơ quan của Chính phủ cần thiết cho công việc giám sát. Đình chỉ bắt giam bất cứ nhân viên nào trong Ủy ban nhân dân hay của Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng Chính phủ hay Tòa án đặc biệt xét xử. …

Ngày 27 tháng 11 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 223 về việc: xử phạt đối với tội đưa hối lộ cho công chức, tội công chức nhận hối lộ, biển thủ công quỹ hoặc của công dân. Đến ngày 18 tháng 12 năm 1949, tiếp tục ban hành Sắc lệnh số 138/SL thành lập Ban Thanh tra Chính phủ thay thế Ban Thanh tra đặc biệt có quy định một trong những nhiệm vụ là “Thanh tra các ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính và viên chức về phương diện liêm khiết …”.

Cho đến trước khi có Pháp lệnh chống tham nhũng và những quy định về chống tham nhũng trong Bộ luật Hình sự năm 1999, trong các quy định pháp luật rải rác về các biện pháp phòng ngừa và chống tham nhũng. Tuy nhiên, có thể kể đến một số văn bản pháp luật quy định trực tiếp về vấn đề chống tham nhũng như: Quyết định số 207/CP ngày 06/12/1962 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu; Chỉ thị số 84/TTg ngày 09/9/1964 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổng hợp tình hình tham ô, lãng phí, quan liêu; Quyết định số 240/HĐBT ngày 26/6/1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về đấu tranh chống tham nhũng; Chỉ thị số 416/CT ngày 03/12/1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc tăng cường các công tác thanh tra, điều tra xử lý các việc tham nhũng và buôn lậu; Chỉ thị số 08/CT-TATC ngày 06/12/1990 của Tòa án nhân dân tối cao về việc triển khai chống tham nhũng, chống buôn lậu qua biên giới và một số loại tội phạm kinh tế khác; Quyết định số 114/TTg ngày 21/11/1992 của Thủ tướng Chính phủ về những biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và bài trừ tệ tham nhũng và buôn lậu; Chỉ thị số 171/TTg ngày 16/12/1992 của Thủ tướng Chính phủ về việc chống tham nhũng, lãng phí và thất thoát trong xây dựng cơ bản; Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ Tư về thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu; Nghị quyết số 176/NQ-UBTVQH9 ngày 16/3/1994 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu; Quyết định số 35/TTg ngày 19/01/1996 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ban công tác chống tham nhũng, chống buôn lậu.

Về các biện pháp hình sự các tội phạm về tham nhũng đáng kể nhất có các văn bản: Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa năm 1970, Pháp lệnh trừng trị tội hối lộ năm 1981, các quy định về tội phạm về chức vụ trong Bộ luật hình sự năm 1985 …

Trong giai đoạn này, Nhà nước ta ban hành nhiều văn bản pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực trong bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng một số văn bản còn mang tính chung chung, định hướng, chủ trương mà chưa tạo ra những thiết chế, cơ chế cần thiết làm cơ sở vững chắc cho việc đấu tranh chống tham nhũng, các văn bản còn rời rạt chưa tập trung. Đặc biệt là hầu hết các văn bản mới chỉ chú trọng đến việc xử lý các hành vi tham nhũng mà chưa có nhiều quy định liên quan đến việc tạo ra cơ chế phòng ngừa nhằm loại bỏ nguyên nhân và triệt tận gốc tham nhũng nên hiệu quả thi hành còn hết sức hạn chế.

Ngày 26/02/1998, Pháp lệnh chống tham nhũng được ban hành. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên chuyên biệt về chống tham nhũng, trong đó đưa ra định nghĩa về hành vi tham nhũng, người có chức vụ quyền hạn, các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng … cũng như quy định cụ thể có tính chất “lượng hóa” để phân biệt các hình thức xử lý người có hành vi tham nhũng.

Đặc biệt là với Pháp lệnh Chống tham nhũng, đầu tiên biện pháp kê khai tài sản đối với người có chức vụ, quyền hạn được quy định, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện biện pháp quan trọng này trong phòng, chống tham nhũng. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 64/1998/NĐ-CP ngày 17/8/1998 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh chống tham nhũng (sau đó được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 13/2002/NĐ-CP ngày 30/01/2002).

Đến năm 1999, chúng ta ban hành Bộ luật Hình sự, trong đó quy định một nhóm tội tham nhũng bao gồm 7 tội danh. Vì vậy, đến năm 2000, Pháp lệnh chống tham nhũng có những sửa đổi cần thiết cho phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999.

Qua thực tiễn triển khai thực hiện, Pháp lệnh chống tham nhũng đã bộc lộ nhiều khuyết điểm, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tham tham nhũng hiện nay, cụ thể là:

Thứ nhất, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được quy định trong Pháp lệnh chống tham nhũng còn chưa đầy đủ, chưa cụ thể, chưa theo kịp sự phát triển của xã hội;

Thứ hai, Pháp lệnh chống tham nhũng đã quy định trách nhiệm chung cho các cơ quan nhà nước trong phòng, chống tham nhũng mà chưa có quy định về cơ chế phối hợp để lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng trong đấu tranh chống tham nhũng. Mặc khác, việc xác định phạm vi trách nhiệm và quyền hạn cụ thể của từng cơ quan có nhiệm vụ chống tham nhũng chưa được phân định rõ ràng, thiếu cơ chế điều phối hoạt động;

Thứ ba, chưa có các quy định để tạo điều kiện cho cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm sát áp dụng các biện pháp có hiệu quả để đấu tranh chống tham nhũng; cơ chế tiếp nhận và xử lý tố cáo tham nhũng chưa hợp lý; thiếu các quy định tạo điều kiện thuận lợi, động viên, khuyến khích tố cáo tham nhũng;

Thứ tư, chưa có quy định nhằm tạo ra cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức, đoàn thể xã hội, cơ quan báo chí, cộng đồng doanh nghiệp, công dân nhằm phát huy sức mạnh của toàn xã hội trong phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng.

Trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa về kinh tế, hoạt động của các quốc gia ngày càng mang tính quốc tế, có sự liên quan mật thiết và phụ thuộc sâu sắc vào các điều kiện quốc tế. Việc tham mưu vào các khuôn khổ quốc tế vừa là quyền lợi, vừa là thách thức của mỗi quốc gia. Nhận thức được tầm quan trọng và tính thiết yếu của hoạt động hợp tác quốc tế, với đường lối đối ngoại đa phương và rộng mở, Việt Nam đã triển khai và đẩy mạnh hợp tác với nhiều quốc gia, tổ chức quốc tề trong nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ. Trong đó, hoạt động hợp tác quốc tế về phòng ngừa và chống tham nhũng đã được chú trọng và triển khai trên thực tế.

Năm 2002-2003, Việt Nam đã tham dự đầy đủ 7 vòng đàm phán nhằm xây dựng Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Tháng 12 năm 2003, tại Mêriđa (Mêhicô), Chính phủ Việt Nam đã ký Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Việc ký kết công ước thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc: thúc đẩy và tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng có hiệu lực và hiệu quả hơn; thúc đẩy, tạo điều kiện và hỗ trợ hợp tác quốc tế và trợ giúp kỹ thuật trong phòng, chống tham nhũng, bao gồm cả việc thu hồi tài sản; thúc đẩy tính liêm chính, chế độ trách nhiệm và việc quản lý đúng đắn việc công và tài sản công. Tiếp theo, Việt Nam đang tích cực tiến hành các hoạt động nhằm chuẩn bị cho việc phê chuẩn và thực thi Công ước. Các hoạt động chính gồm có: nghiên cứu, rà soát hệ thống pháp luật Việt Nam so với yêu cầu của Công ước, xây dựng phương án nội luật các quy định của Công ước; đánh giá thuận lợi, khó khăn và khả năng của Việt Nam trong việc phê chuẩn và thực thi Công ước.

Năm 2004, Việt Nam đã tham gia Chương trình hành động chống tham nhũng châu Á - Thái Bình Dương theo sáng kiến của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Tổ hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Với tư cách là thành viên của của Chương trình hành động, Việt Nam đã tham gia đầy đủ các phiên họp, các hoạt động của Chương trình hành động. Việt Nam đã xây dựng báo cáo quốc gia về chống tham nhũng năm 2004 theo các nội dung của Chương trình hành động. Cũng trong năm 2004, Việt Nam đã tham gia các hoạt động trong khuôn khổ chương trình hành động chống tham nhũng của APEC.

Năm 2009, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng và đã tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Công ước với tư cách là nước thành viên, đồng thời hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện từng bước theo lộ trình đáp ứng các yêu cầu thực thi Công ước.

Để khắc phục những khuyết điểm của Pháp lệnh chống tham nhũng năm 1998 và đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu ban hành đạo luật mới, tạo khuôn khổ pháp luật đầy đủ và mạnh mẽ hơn để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Trước sự cấp thiết đó, Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 (có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2006). Đây là một văn bản pháp lý hết sức quan trọng thể hiện rõ sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân trong cuộc đấu tranh chống lại tệ nạn này, đồng thời nó tạo dựng nên một khuôn khổ cơ bản tạo tiền đề cho việc xây dựng một chiến lược toàn diện lâu dài về đấu tranh chống tham nhũng và cũng là công cụ pháp lý quan trọng để từng bước nâng cao hiệu quả, hiệu lực của cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay.

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã 03 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2007, 2012 và mới nhất là sửa đổi toàn diện năm 2018:

Lần sửa đổi thứ nhất vào năm 2007: Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung với việc quy định: “Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về phòng, chống tham nhũng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đứng đầu, có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có bộ phận giúp việc”. Đồng thời, do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã được thành lập nên luật sửa đổi cũng có sự thay đổi cơ quan giám sát công tác phòng, chống tham nhũng. Trách nhiệm giám sát trước kia thuộc về Ủy ban pháp luật thì nay chuyển sang cho Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Lần sửa đổi thứ 2 vào năm 2012: Ngày 25/5/2012, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 21/KL về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong đó quyết định “Ở Trung ương, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Lập lại Ban Nội chính Trung ương, là cơ quan tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, về chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính; đồng thời, là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ở địa phương, không tổ chức ban chỉ đạo tỉnh, thành phố về phòng, chống tham nhũng. Tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng và có trách nhiệm phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng khi có vụ việc tham nhũng nghiêm trọng xảy ra ở địa phương”. Chính vì vậy các quy định về Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở cấp Trung ương và cấp tỉnh theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng cũng cần phải được bãi bỏ. Đảng trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng với người đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư. Đây là sự thay đổi rất lớn và trên thực tế kể từ đó đến nay hiệu quả, hiệu lực của công tác phòng, chống tham nhũng tăng lên rõ rệt, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ.

Lần sửa đổi thứ 3 vào năm 2018: Việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng được đặt ra vì những lý do sau đây:

 Thứ nhất, việc xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập qua 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (đã được sửa đổi năm 2007 và 2012).

Thứ hai, xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng mới nhằm tiếp tục quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng.

Thứ ba, xây dựng Luật PCTN (sửa đổi) để đồng bộ với quy định mới trong các đạo luật quan trọng khác được Quốc hội thông qua và nhằm nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng.

Việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng chống tham nhũng khẳng định quyết tâm và là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và tác động đến sự ổn định, phát triển của Đất nước. Trên cơ sở đó, cần tiếp tục quán triết sâu sắc và cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách có liên quan của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là các giải pháp đề ra trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X); Kết luận Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và các kết luận, chỉ thị của Ban Chỉ đạo Trung ương về chống tham nhũng, Bộ Chính trị (khóa XI) và Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Tiếp tục xác định nhiệm vụ chính của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 là tạo ra một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng, qua đó góp phần xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch, “không thể tham nhũng”; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng. Trên cơ sở đó, Luật Phòng, chống tham nhũng đưa ra các chế tài về chính trị, hành chính, kinh tế, cùng với các chế tài về hình sự đã được quy định trong pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự để tạo ra khung pháp lý tổng thể ngăn chặn, răn đe và trừng phạt tham nhũng. Đồng thời, mở rộng từng bước, có chọn lọc về phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tham nhũng để phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng ngoài khu vực nhà nước nhằm chống sự thông đồng tham nhũng giữa khu vực công và khu vực tư, kiến tạo môi trường đầu tư lành mạnh, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, người gửi tiền và các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện …

Luật cũng sửa đổi trên cơ sở đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) với Hiến pháp năm 2013 và quy định của các văn bản pháp luật khác có liên quan, bảo đảm tính khả thi của Luật; tiếp tục có những bước đi phù hợp nhằm nâng cao mức độ tuân thủ các yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng, qua đó góp phần tạo tiền đề tốt cho Việt Nam trong Chu trình đánh giá lần hai về việc thực thi Công ước đối với Chương II về các biện pháp phòng ngừa và Chương V về thu hồi tài sản.

Để triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tiếp đến, ngày 30/9/2021, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-TTCP quy định chi tiết danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực thanh tra.

Như vậy, từ năm 1945 đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về phòng chống tham nhũng, tùy mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ mà ban hành văn bản để áp dụng cho phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển của đất nước và cả việc hội nhập quốc tế. Mặc dù đến nay, pháp luật về phòng chống tham nhũng của nước ta có nhiều thay đổi theo hướng tiến bộ, cơ bản đã hoàn thiện, tuy nhiên, để triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả pháp luật về phòng chống tham nhũng hiện hành, ở góc độ địa phương Tôi xin kiến nghị với Thanh tra Chính phủ một số nội dung sau:

(1) Phối hợp, làm việc với các cơ quan Trung ương (Bộ Nội vụ) để bổ sung nhân lực cho ngành Thanh tra để thực hiện các nhiệm vụ mới phát sinh theo Luật PCTN mới, đặc biệt là để đảm bảo việc thực hiện xác minh, kiểm soát tài sản thu nhập theo quy định.

(2) Cần có quy định thời gian cụ thể việc đánh giá công tác PCTN vào cuối năm và công bố vào đầu năm (tương tự như chỉ số cải cách hành chính và chỉ số PCI…) để địa phương chủ động triển khai thực hiện nhằm đạt hiệu quả hơn.

(3) Đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước định kỳ cuối tháng hoặc cuối quý công khai danh sách các công ty đại chúng của từng địa phương, để địa phương theo dõi, quản lý và thực hiện công tác phòng ngừa tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng./.

Đức Can

                                                                                                                      Phòng Nghiệp vụ 3

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ (2018). Những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. NXB Lao động - Xã hội, Hà Nội.

2. Vụ Hợp tác quốc tế - Thanh tra Chính phủ (2015). Cẩm nang về Thu hồi tài sản (hướng dẫn dành cho người thực hiện). NXB Lao động, Hà Nội.

3. Vụ Hợp tác quốc tế - Thanh tra Chính phủ (2015). Quy định về kê khai tài sản đối với công chức (Một công cụ để phòng ngừa tham nhũng). NXB Lao động, Hà Nội.

4. Đinh Văn Minh (2019). Một số vấn đề chung về tham nhũng và những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. NXB Lao động, Hà Nội.

5. Các văn bản của Đảng, Nhà nước liên quan đến phòng, chống tham nhũng từ năm 1945 đến nay.

 


In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Select a date from the calendar.
Về đầu trang  
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THANH TRA TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm xuất bản: Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 1126, đường Phạm Văn Thuận, phường Tân Tiến, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: 0251.3822550; Fax: 0251.3816979; E-mail: vbthanhtra@dongnai.gov.vn
ĐĂNG NHẬP