Liên kết website
 

HÌNH LIÊN KẾT

 
Lượt truy cập
 

Phòng chống tham nhũng

 
Nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh. Cập nhật: 28-10-2024 02:12
Thực trạng và giai pháp nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Khái quát chung: Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng. Nếu như trước thời kỳ đổi mới, nhận thức về tham nhũng ở Việt Nam cơ bản chỉ giới hạn trong những hiểu biết về tham ô và vấn đề liên quan là quan liêu, thì hiện nay, trên tất cả các khía cạnh lý luận về tham nhũng, như nguồn gốc, bản chất, đặc điểm, nguyên nhân, hậu quả và các chiến lược, giải pháp phòng, chống... đều đã được nghiên cứu và xác định cụ thể. Có thể nhận thấy, sự thay đổi lớn nhất trong tư duy lý luận kể từ thời kỳ đổi mới thể hiện ở nhận thức về bản chất và các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Rủi ro tham nhũng trong hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước trước đây chưa được nhận biết rõ ràng thì hiện nay những hạn chế đó đã được giải quyết. Sự tha hoá của quyền lực chính trị/quyền lực nhà nước mà hậu quả chính là nạn quan liêu, tham nhũng trước đây ít được thừa nhận, nay được xem như là một hiện tượng tất yếu, mang tính phổ quát, diễn ra ở mọi chế độ, không phân biệt phong kiến, tư bản hay xã hội chủ nghĩa.

Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng (PCTN) một cách toàn diện. Từ chỗ chỉ có một số văn bản pháp luật đề cập đến phòng, chống tham ô và quan liêu, lãng phí, nhiều văn bản pháp luật về PCTN đã được ban hành và liên tục được sửa đổi, hoàn thiện. Bắt đầu từ Pháp lệnh PCTN năm 1998, Quốc hội đã thông qua Luật PCTN năm 2005, và sau đó đã sửa đổi, bổ sung vào các năm 2007, 2012 và 2018. Cùng với các luật này là có nhiều đạo luật chuyên ngành khác như: Bộ luật Hình sự, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí,... được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung những quy định về PCTN. Để từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng, tiêu cực”, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng; Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 2 nghìn nghị định, quyết định; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về quản lý kinh tế-xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả.

Tất cả tạo thành một hệ thống pháp luật đồng bộ trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Về mặt nội dung, hệ thống chính sách, pháp luật về PCTN ở nước ta từ Đổi mới đến nay cũng chuyển đổi từ việc chú trọng các biện pháp phát hiện, xử lý vi phạm (chú trọng “chống”) sang cân bằng giữa “chống” và “phòng” (ngăn ngừa vi phạm xảy ra), trong đó chú trọng, đề cao các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Nội dung của chính sách, pháp luật về PCTN cũng ngày càng được mở rộng, bao trùm và gắn kết với các vấn đề liên quan như kiểm soát quyền lực, kiểm soát tài sản thu nhập, cải cách hành chính, nâng cao đời sống và giáo dục liêm chính cho đội ngũ cán bộ công chức, thúc đẩy quản trị quốc gia (hay quản trị nhà nước) tốt, nhằm thực hiện chiến lược bốn không: Không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần tham nhũng và không muốn tham nhũng. Đây cũng là cách tiếp cận phù hợp với xu thế và kinh nghiệm quốc tế.

Những nỗ lực nêu trên đã tạo ra những thành công đáng khích lệ trong PCTN ở nước ta, đặc biệt trong mấy năm gần đây. Nếu như trước đây tình trạng tham nhũng trong một số lĩnh vực diễn ra một cách phổ biến, thì hiện nay đã được kiềm chế đến một mức độ nhất định. Trước đây, có thời điểm, PCTN được xem là “tắm từ vai trở xuống” thì hiện nay không có vùng cấm và ngoại lệ . Nếu như trước đây có lúc công tác PCTN được thực hiện một cách khá thụ động, có phần “bối rối”, thì hiện nay được tiến hành ngày một chủ động hơn. Kết quả là theo Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) của Việt Nam có xu hướng tăng kể từ năm 2015 đến nay (sơ đồ kèm theo), trong đó, đặc biệt vào năm 2021, Việt Nam đạt 39/100 điểm, xếp thứ 87/180 nước (tăng 3 bậc so với năm 2020) và là thứ hạng cao nhất từ trước đến nay.

Chỉ số nhận thức tham nhũng của Việt Nam trong giai đoạn 2012-2021(© Screenshot/Transparency International)

Thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay

Thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam: Quyết tâm chính trị cùng với những hành động quyết liệt, thực hiện những giải pháp hiệu quả của Đảng và Nhà nước, của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương trong công tác phòng chống tham nhũng. Cụ thể, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập “với mong muốn đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng thêm một bước”.

Báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022  nêu rõ: 10 năm qua, cấp ủy, UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168 nghìn đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975 nghìn tỷ đồng, gần 76 nghìn ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế hơn 2 nghìn văn bản pháp luật. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực; cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,7% (năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,3%. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua là vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng được nâng lên. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, vừa cảnh báo, răn đe, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát hiện xử lý vi phạm. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các vi phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực cả về phòng ngừa và phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện và tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh. Tham nhũng bước đầu được kiềm chế, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, với chế độ.

Kết quả này là minh chứng cho những nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định một lần nữa quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa” . Đây chính là những tư tưởng, định hướng chỉ đạo xuyên suốt về các nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn tới, trước mắt là tư tưởng chỉ đạo đối với các nhiệm vụ và giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đúng theo lời đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Công tác xây dựng Đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt của Đảng, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta”. Nội dung về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với gần một nửa số bài viết. Vị trí quan trọng này phản ánh vai trò, vị trí có ý nghĩa quyết định của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đối với sự nghiệp cách mạng nói chung và công cuộc đổi mới nói riêng, cả về phương diện lý luận và thực tiễn. Nội dung các vấn đề về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị bao quát một cách toàn diện, từ cơ sở lý luận chung đến những vấn đề cụ thể về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, kiểm tra, dân vận, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân. Xuất phát từ quan điểm chỉ đạo “Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta”, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Công tác xây dựng Đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt của Đảng, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta”

Thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng tại Đồng Nai:

Trong 10 năm qua, Đảng bộ và UBND tỉnh Đồng Nai đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, kết quả:

Qua công tác kiểm tra, tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị phát hiện và xử lý xong 02 vụ việc tham nhũng qua công tác tự kiểm tra nội bộ. Số tiền phát hiện và thu hồi 12.151.000 đồng và đã xử lý 03 người có hành vi vi phạm pháp luật về tham nhũng; Qua công tác thanh tra, toàn ngành thanh tra tỉnh Đồng Nai đã triển khai 1.243 cuộc thanh tra; đã kết luận 1.241 cuộc. Nội dung thanh tra tập trung vào các lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính, ngân sách và thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị địa phương trong việc thực hiện các quy định pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi 1.450.861,641 triệu đồng/1.488.213,378 triệu đồng và 528,47ha đất; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với 255 tập thể và 932 cá nhân; phát hiện 36 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật và đã chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật (36 đoàn thanh tra); qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phát hiện 07 vụ việc có dấu hiệu sai phạm được chuyển sang cơ quan điều tra. Qua công tác điều tra, truy tố xét xử, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng gây ra số tiền 36.908.740.000 đồng, đã thu hồi số tiền 33.174.017.000 đồng.

Trước đây, công tác phát hiện các vụ việc sai phạm qua thanh tra để chuyển cơ quan cảnh sát điều tra có tỷ lệ thấp; việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu; việc phát hiện tham nhũng chủ yếu qua dư luận xã hội, đơn thư tố cáo, hoặc khi có cơ quan chức năng vào làm việc kiểm tra, thanh tra, điều tra mới phát hiện sai phạm; một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN. Những năm gần đây, các cấp, các ngành đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN nói chung; công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực nói riêng. Trong đó công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để phát hiện, kiến nghị, xử lý tham nhũng đã được quan tâm hơn. Công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm kinh tế, tham nhũng, tiêu cực có nhiều chuyển biến tích cực.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, công tác PCTN, tiêu cực trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đặc biệt là kể từ sau khi có Luật Phòng chống tham nhũng mới năm 2018 (có hiệu lực từ 01/7/2019) thì công tác PCTN của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng như: các đơn vị, địa phương đã kịp thời triển khai, quán triệt, tuyên truyền các quy định pháp luật về PCTN, gắn với việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện nghiêm túc; công tác kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức (CBCC,VC) được thực hiện đầy đủ, đúng quy định; các chế độ, định mức, tiêu chuẩn thường xuyên được rà soát, bổ sung hoàn chỉnh; công tác cải cách hành chính được tăng cường và đẩy mạnh, cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông hiện đại” dần đi vào nề nếp và phát huy hiệu quả, nên đã rút ngắn thời gian giải quyết công việc, tạo thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp; công tác thanh tra, kiểm tra về PCTN được tăng cường và tập trung vào lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm như: công khai minh bạch trong quản lý tài chính ngân sách, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai,...; các vụ việc tham nhũng phát hiện được xử lý theo quy định của pháp luật; các lực lượng chuyên trách về PCTN từng bước được kiện toàn. Với những quyết tâm và nỗ lực cố gắng của các ngành, các cấp nên công tác PCTN thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực cả trong nhận thức lẫn hành động; qua đó, góp phần khắc phục được những hạn chế và từng bước đẩy lùi tình trạng tham nhũng trên địa bàn tỉnh.

Chất lượng công tác phòng chống tham nhũng thông qua đánh giá chỉ số phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh đã từng bước được cải thiện (Công tác đánh giá chỉ số phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh được thực hiện thường xuyên từ năm 2016 đến nay. Trước năm 2019 là thực hiện thí điểm, từ năm 2020, khi Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 có hiệu lực từ ngày 01/7/2019 thì nội dung đánh giá này đã được đưa vào luật. Kết quả các năm đánh giá qua các năm: năm 2016: 68.25 điểm; 2017: không đánh giá; năm 2018: 63.45 điểm; năm 2019: 72.56 điểm; năm 2020: 69.77 điểm, giảm chung các tỉnh phía Nam do dịch Covid không triển khai một số nhiệm vụ; năm 2021: 70.24 điểm).

Giải pháp, kiến nghị:

Ngoài việc đẩy mạnh thực hiện tốt các giải pháp đặt ra trong các kế hoạch, chương trình PCTN của các cơ quan có chức năng đã đặt ra, trong khuôn khổ tham luận này, Thanh tra tỉnh nêu một số đề xuất mang tính gợi mở, trao đổi, thảo luận, nghiên cứu trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cụ thể:

Thứ nhất, các cơ Trung ương cần sớm hoàn thiện nhanh thể chế, trong đó cần nghiên cứu tập trung vào một số nội dung dễ xảy ra tham nhũng như:

Thể chế quản lý về đất đai, đây là một trong những vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến quyền của nhà nước, người dân và dễ xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm. Cần sớm ban hành Luật đất đai mới để khắc phục những hạn chế, thiếu sót thời gian qua và sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Cần nghiên cứu sửa đổi các quy định về đấu thầu, hạn chế việc quy định mang nặng tính trình tự, thủ tục, xin cho (phê duyệt chủ kế hoạch lựa chọn, giá…) rất khó quản lý nhưng lại rất dễ dẫn đến vi phạm và mang nặng hình thức, cần nghiên cứu các quy định theo hướng “Khoán” hay “Giao tự chủ” thực sự, tự chịu trách nhiệm và nội bộ kiểm tra, giám sát bằng chính chất lượng, hiệu quả và thu nhập của cơ quan, đơn vị.

Các quy định về quy hoạch, đây là vấn đề hết sức hệ trọng cho bất cứ ngành, lĩnh vực và địa phương nào để phát triển. Do đó, việc thực hiện quy hoạch nên có cơ đặt hàng cho “cơ quan độc lập” xây dựng và phê duyệt (Quốc hội, HĐND trực tiếp thuê tư vấn và lập quy hoạch), không để các cơ quan quản lý, thực hiện quy hoạch làm quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch.

Thứ hai, vừa qua, BCH Trung ương thông qua Nghị quyết về tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền, đây là nội dung rất quan trọng trên mọi lĩnh vực của xã hội và cũng là giải pháp cốt lõi trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đề xuất cần có cơ chế bổ sung nguồn lực cho các cơ quan tư pháp thực hiện nhiệm vụ, bỏ các quy định về “xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo” của các cơ quan hành chính, tất cả các quan hệ này nên được điều chỉnh bằng cơ chế Toà án phán quyết và như thế các cơ quan hành chính sẽ phải tập trung công tác quản lý, không để xảy ra các vi phạm bị xử lý.

Thứ ba, qua thực tiễn công tác PCTN vừa qua, việc phát hiện các vi phạm chủ yếu các lĩnh vực nhạy cảm đất đai, xây dựng, tài chính...việc triển khai thanh toán qua tài khoản đã hạn chế rất nhiều các vi phạm và cũng phục vụ rất nhiều cho công tác phát hiện vi phạm qua hoạt động thanh tra, kiểm tra. Do đó, kiến nghị Trung ương xem xét cơ chế bắt buộc thực hiện các giao dịch chuyển nhượng đất đai, tài sản và thanh toán mua sắm của người dân, doanh nghiệp phải thực hiện chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng, qua ứng dụng phần mềm, không dùng tiền mặt. Hiện nay, đa phần người dân đều có tài khoản hoặc có điện thoại nên việc thanh toán là rất thuận tiện. Đề xuất quy định các cơ sở kinh doanh không nhận tiền mặt hoặc nhận thì số lượng rất nhỏ. Từ đó thúc đẩy người dân gửi tiền vào ngân hàng, ví điện tử để thanh toán. Đây là cơ sở theo dõi, giám sát, kiểm tra và hạn chế tham nhũng, tiêu cực.

Thứ tư, kiến nghị các cơ quan Trung ương sớm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản, thu nhập. Tiến tới minh bạch hoá, tịch thu tài sản không rõ nguồn gốc, tài sản phạm tội mà có, rửa tiền…

Thứ năm, cần có cơ chế cho các đơn vị, cá nhân tự sửa sai nếu không phải lỗi cố ý vi phạm. Trong điều kiện nền kinh tế hội nhập và phát triển như hiện nay, bất cứ làm gì, mua gì cũng đều có rủi ro, thậm chí bị lừa gạt. Nên trong trường hợp này cần có chế cho đơn vị, cá nhận tự sửa sai và cũng từ đó sẽ rút kinh nghiệm và tự khắc sẽ có giải pháp để bảo vệ chính mình, đồng thời cũng không làm ảnh hưởng đến nhà nước, cơ quan và người khác, không để mất cán bộ, làm khó khăn cho công tác chung, khuyến khích được tinh thần dám làm và chịu trách nhiệm.

Thứ sáu, cơ chế hiện nay có quy định mua sắm tập trung và có quy định “thuê kế toán trưởng”, đề nghị nên xác định mở rộng toàn hệ thống thực hiện các cơ chế bắt buộc này để các đơn vị có chuyên môn tài chính làm công việc tài chính; các cơ quan hành chính, sự nghiệp tập trung vào quản lý về chuyên môn, vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động, hạn chế việc móc nối giữa thủ trưởng và kế toán để vi phạm, vừa bảo vệ nguồn lực chuyên môn các ngành.

Tài liệu tham khảo: Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012-2022; Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966; Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,1996; Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 286-287, 289; GS. TS. Tạ Ngọc Tấn, Tạp chí Cộng sản, 2022; Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 04/02/2013; Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 226; https://ubkttw.vn/danh-muc/tin-tuc-thoi-su/hoi-nghi-toan-quoc-tong-ket-10-nam-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-giai-doan-2012-2022.html; https://www.transparency.org/en/cpi/2022/index/vnm; https://laodong.vn/thoi-su/tu-quyet-dinh-cua-uy-ban-kttu-nhung-ai-co-sai-pham-deu-bi-xu-ly-nghiem-minh-616084.ldo.

Quang Châu Phòng NV 4


In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Select a date from the calendar.
Về đầu trang  

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THANH TRA TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm xuất bản: Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 1126, đường Phạm Văn Thuận, phường Tân Tiến, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: 0251.3822550; Fax: 0251.3816979; E-mail: vbthanhtra@dongnai.gov.vn
​​​​​​​​
​​​
ĐĂNG NHẬP