Liên kết website
 

HÌNH QUẢNG CÁO

 
Lượt truy cập
 

Hướng dẫn nghiệp vụ

 
Quy định về tổ chức và chế độ làm việc của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn theo quy định pháp luật về thanh tra Cập nhật: 01-11-2018 07:39
Tổ chức và chế độ làm việc của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn được quy định tại Mục 1, Chương VI Luật Thanh tra năm 2010; được hướng dẫn tại Nghị định 159/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ, Mục I Thông tri số 25/TT-MTTW-BTT ngày 10/8/2017 của Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam và Thông tư số 63/2017/TT-BTC ngày 19/6/2017 của Bộ Tài chính

QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC

 CỦA BAN THANH TRA NHÂN DÂN Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

 

I. KHÁI NIỆM, CƠ CẤU TỔ CHỨC, TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN VÀ SỐ LƯỢNG THÀNH VIÊN BAN THANH TRA NHÂN DÂN

1. Khái niệm

 Thanh tra nhân dân là hình thức giám sát của nhân dân thông qua Ban thanh tra nhân dân đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.

2. Cơ cấu, tổ chức của Ban Thanh tra nhân dân

 Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn do Hội nghị nhân dân hoặc Hội Nghị đại biểu nhân dân ở thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố bầu ra. Ban Thanh tra nhân dân có Trưởng ban, phó Trưởng ban và thành viên. Nhiệm kỳ Ban Thanh tra nhân dân 02 năm.

3. Tiêu chuẩn, điều kiện Thành viên Ban Thanh tra nhân dân

Thành viên BanThanh tra nhân dân phải có đủ tiêu chuẩn, điều kiện sau:  Là người trung thực, công tâm, có uy tín, có hiểu biết về chính sách, pháp luật, tự nguyện tham gia Ban thanh tra nhân dân; là người thường trú tại xã, phường, thị trấn và không phải là người đương nhiệm trong Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

4. Số lượng Thành viên Ban Thanh tra nhân dân

 Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn có từ 5 đến 11 thành viên. Đối với những xã, phường, thị trấn ở đồng bằng có số dân dưới 5 nghìn người thì được bầu 5 hoặc 7 thành viên; từ 5 nghìn người đến dưới 9 nghìn người thì được bầu 7 hoặc 9 thành viên; từ 9 nghìn người trở lên thì được bầu 9 hoặc 11 thành viên. Đối với những xã, phường, thị trấn ở miền núi, trung du và hải đảo, mỗi thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố được bầu 1 thành viên, nhưng số lượng thành viên Ban thanh tra nhân dân không quá 11 người.

Căn cứ vào địa bàn, số lượng dân cư, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn quyết định số lượng thành viên Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn.

II. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BAN THANH TRA NHÂN DÂN, TRƯỞNG BAN THANH TRA NHÂN DÂN

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân, Trưởng ban Thanh tra nhân dân được quy định tại Điều 66, 67 Luật Thanh tra năm 2010 và được hướng dẫn tại Điều 11, Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ.

1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban thanh tra nhân dân

- Giám sát cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn trong việc thực hiện chính sách, pháp luật; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kiến nghị người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật và giám sát việc thực hiện kiến nghị đó;

-  Xác minh những vụ việc do Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn giao;

- Tham gia việc thanh tra, kiểm tra tại xã, phường, thị trấn theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cung cấp thông tin, tài liệu, cử người tham gia khi được yêu cầu;

-  Kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xử lý vi phạm theo thẩm quyền và khắc phục sơ hở, thiếu sót được phát hiện qua hoạt động giám sát, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan tổ chức, đơn vị;

- Kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn các hình thức động viên, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân phát hiện sai phạm và có thành tích trong công tác;

- Tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến phạm vi giám sát của Ban thanh tra nhân dân;

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do pháp luật quy định.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn Trưởng Ban thanh tra nhân dân

- Triệu tập, chủ trì các cuộc họp, hội nghị; chủ trì các cuộc giám sát, xác minh thuộc thẩm quyền của Ban thanh tra nhân dân;

- Phân công nhiệm vụ cho thành viên Ban thanh tra nhân dân;

- Đại diện cho Ban thanh tra nhân dân trong mối quan hệ với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan;

- Được mời tham dự các cuộc họp của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có nội dung liên quan đến nhiệm vụ giám sát, xác minh của Ban thanh tra nhân dân;

- Tham dự các cuộc họp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn có nội dung có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân

III. TRÌNH TỰ BẦU, CÔNG NHÂN BAN THANH TRA NHÂN DÂN

1. Bước 1: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã căn cứ vào địa bàn, dân cư quyết định:

(1) Danh sách thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố được bầu thành viên Ban TTND;

(2) Phân bổ số lượng thành viên Ban TTND được bầu;

(3) Hướng dẫn Trưởng Ban công tác Mặt trận phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố việc tổ chức Hội nghị nhân dân hoặc Hội nghị đại biểu nhân dân ở thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố để bầu thành viên Ban TTND.

2. Bước 2: Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố thực hiện công việc sau:

(1) Báo cáo cấp ủy cùng cấp về dự kiến người ứng cử thành viên Ban TTND và kế hoạch tổ chức bầu thành viên Ban TTND;

(2)Triệu tập và chủ trì Hội nghị dự kiến người ứng cử thành viên Ban TTND với thành phần gồm toàn bộ thành viên ban công tác Mặt trận.

Hội nghị lập biên bản ghi rõ số người triệu tập, số người vắng mặt, nội dung Hội nghị, ý kiến nhận xét của Hội nghị về người được dự kiến giới thiệu ứng cử thành viên Ban TTND (theo mẫu số 01/BTTND).

 Nội dung, trình tự, thủ tục như sau:

- Thông báo số lượng thành viên Ban TTND được bầu;

- Giới thiệu tiêu chuẩn thành viên Ban TTND

- Giới thiệu người ứng cử thành viên Ban TTND

- Hội nghị thảo luận, nhận xét người được dự kiến ứng cử thành viên Ban TTND.

- Trưởng Ban công tác Mặt trận kết luận ý kiến thảo luận của Hội nghị.

(3) Trưởng Ban công tác Mặt trận gửi giấy mời đến toàn thể cử tri (Hội nghị nhân dân) hoặc cử tri đại diện hộ (Hội nghị đại biểu nhân dân); toàn thể thành viên Ban công tác Mặt trận; Trưởng thôn, Phó trưởng thôn hoặc Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố và mời đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn tham dự.

3. Bước 3: Tổ chức Hội nghị nhân dân hoặc Hội nghị đại biểu nhân dân ở thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố để bầu thành viên Ban TTND

3.1. Điều kiện tổ chức Hội nghị nhân dân, hội nghị đại biểu nhân dân

Hội nghị nhân dân hoặc Hội nghị đại biểu nhân dân được tiến hành khi có trên 50% số đại biểu được triệu tập có mặt.  Hội nghị nhân dân được tiến hành đối với thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố có dưới 100 cử tri.

Hội nghị đại biểu nhân dân được tiến hành đối với thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố có số lượng từ 100 cử tri trở lên. Hội nghị đại biểu nhân dân phải triệu tập tối thiểu mỗi hộ một đại diện tham dự (trường hợp không tổ chức được Hội nghị để bầu thì tổ chức lấy phiếu đồng ý hay không đồng ý của đại diện hộ dân).

3.2. Nội dung, thủ tục, trình tự tổ chức Hội nghị (Hội nghị bầu thành viên Ban TTND phải được lập biên bản thể hiện rõ diễn biến Hội nghị và kết quả bầu thành viên Ban TTND (theo mẫu số 03/BTTND).

(1) Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố

- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu tham dự Hội nghị.

- Giới thiệu thư ký Hội nghị và phải được trên 50% cử tri hoặc đại diện hộ gia đình tham dự Hội nghị tán thành.

(2) Trưởng Ban công tác Mặt trận

- Thông báo số lượng, thành viên Ban TTND được bầu;

- Danh sách dự kiến những người ứng cử thành viên Ban TTND của Ban công tác Mặt trận và tiêu chuẩn thành viên Ban TTND.

(3) Cử tri, đại diện hộ gia đình giới thiệu người ứng cử hoặc tự ứng cử thành viên Ban TTND.

(4) Hội nghị thảo luận danh sách những người ứng cử Ban TTND.

(5) Trưởng Ban công tác Mặt trận kết luận ý kiến thảo luận của Hội nghị và ấn định danh sách người ứng cử Ban TTND.

(6) Hội nghị tiến hành tiến hành bầu thành viên Ban TTND: Việc bầu thành viên Ban TTND có thể bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín do Hội Nghị quyết định

- Trường hợp Hội nghị bầu bằng hình thức giơ tày thì Hội nghị cử 03 người trực tiếp đếm, tính kết quả biểu quyết với từng người và công bố kết quả.

- Trường hợp Hội nghị bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín thì Hội nghị cử Tổ kiểm phiếu từ 03 đến 05 người, trong đó có 01 người làm Tổ trưởng do Trưởng Ban công tác Mặt trận giới thiệu.

Phiếu bầu thành viên Ban TTND phải được đóng dấu của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, phường, thị trấn. Phiếu phải ghi rõ họ, tên đầy đủ của những người được giới thiệu ứng cử. Nếu nơi nào không có điều kiện in phiếu bầu thì  có thể sử dụng phiếu bầu để trắng đã đóng dấu của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã. Cử tri tín nhiệm người nào trong danh sách người ứng cử do Trưởng Ban công tác Mặt trận ấn định thì ghi rõ họ và tên người đó.

Trước khi kiểm phiếu, Tổ bầu cử phải thống kê, lập biên bản, niêm phong số phiếu không sử dụng đến và mời 02 cử tri không phải là người ứng cử có mặt tại đó chứng kiến mở hòm phiếu và kiểm phiếu.Tổ kiểm phiếu tiến hành kiểm phiếu tại nơi bỏ phiếu ngay sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu.

 Sau khi kiểm phiếu xong, Tổ trưởng tổ kiểm phiếu lập biên bản kiểm phiếu và công bố kết quả bầu cử (theo mẫu số 02/BTTND).

- Người trúng cử làm thành viên Ban TTND phải có trên 50% số đại biểu được triệu tập tham dự Hội nghị tín nhiệm và được lựa chọn theo thứ tự số phiếu từ cao xuống thấp cho tới khi đủ số lượng thành viên Ban TTND.

Trường hợp đối với vị trí thành viên cuối cùng của Ban TTND có từ 02 người trở lên có cùng số phiếu bằng nhau thì tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm lại đối với những người đó, người nào có tín nhiệm cao nhất thì trúng cử làm thành viên Ban TTND (Có thể bỏ phiếu bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín do Hội nghị quyết định).

4. Bước 4: Trưởng ban công tác Mặt trận báo cáo kết quả bầu cử với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã ngay sau khi kết thúc Hội nghị nhân dân hoặc Hội nghị đại biểu nhân dân.

Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày bầu xong thành viên Ban TTND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã tổ chức cuộc họp của thành viên Ban TTND để bầu Trưởng ban, Phó trưởng ban (Trưởng ban, Phó trưởng Ban TTND phải được sự tín nhiệm của trên 50% thành viên Ban TTND).

- Danh sách thành viên Ban TTND trúng cử do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã trình Hội nghị Ủy ban MTTQ cùng cấp ra Nghị quyết công nhận Ban TTND và thông báo cho HĐND, UBND cùng cấp trong phiên họp gần nhất, niêm yết kết quả công nhận Ban TTND tại trụ sở HĐND, UBND cấp xã và thông báo cho nhân dân địa phương biết.

IV. MIỄN NHIỆM, BÃI NHIỆM THÀNH VIÊN BAN THANH TRA NHÂN DÂN

1. Bãi nhiệm thành viên Ban TTND: Trong nhiệm kỳ, nếu thành viên Ban TTND không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không còn được nhân dân tín nhiệm thì Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã đánh giá và đề nghị Trưởng ban công tác Mặt trận của thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố có thành viên không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không được nhân dân tín nhiệm phối hợp với Trưởng thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tổ chức Hội nghị nhân dân hoặc Hội nghị đại biểu nhân dân bãi nhiệm và bầu người khác thay thế.

Thành phần bãi nhiệm thành viên Ban TTND áp dụng như thành phần bầu thành viên Ban TTND. Hội nghị bãi nhiệm thành viên Ban TTND phải lập biên bản nêu rõ diễn biến Hội nghị và kết quả bãi nhiệm thành viên Ban TTND (theo mẫu số 05/BTTND). Nội dung, trình tự tổ chức Hội nghị bãi nhiệm thành viên Ban TTND:

(1) Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu tham dự Hội nghị.

(2) Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố giới thiệu thư ký và phải được trên 50% cử tri dự Hội nghị tán thành.

(3) Trưởng Ban công tác Mặt trận đọc tiêu chuẩn thành viên Ban TTND và nêu rõ lý do đưa ra Hội nghị để bãi nhiệm.

(4) Việc bãi nhiệm thành viên Ban TTND có thể bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín do Hội nghị quyết định. Trường hợp bãi nhiệm bằng hình thức giơ tay thì Hội nghị cử 3 người trực tiếp đếm, tính kết quả biểu quyết và công bố kết quả.

Trường hợp nếu bãi nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín thì Hội nghị cử tổ kiểm phiếu từ 3 đến 5 người, trong đó có một người làm Tổ trưởng do Trưởng Ban công tác Mặt trận giới thiệu. Phiếu bãi nhiệm phải đóng dấu của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã; trên phiếu ghi rõ họ, tên những người đưa ra bãi nhiệm, cử tri đồng ý bãi nhiệm người nào thì gạch họ và tên người đó và bỏ vào hòm phiếu. Nếu nơi nào không có điều kiện in phiếu bãi nhiệm thì có thể sử dụng phiếu bãi nhiệm để trắng đã đóng dấu của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã. Cử tri không tín nhiệm người nào trong danh sách bãi nhiệm  ghi rõ họ và tên người đó vào phiếu.

Trước khi kiểm phiếu, Tổ bầu cử phải thống kê, lập biên bản, niêm phong số phiếu không sử dụng đến và mời 02 cử tri có mặt tại đó chứng kiến mở hòm phiếu và kiểm phiếu. Tổ kiểm phiếu tiến hành kiểm phiếu tại nơi bỏ phiếu ngay sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu.

Sau khi kiểm phiếu xong, Tổ trưởng tổ kiểm phiếu lập biên bản kiểm phiếu và công bố kết quả (theo mẫu số  04/BTTND).

(5) Thành viên Ban TTND bị bãi nhiệm khi có trên 50% số đại biểu được triệu tập tham dự Hội nghị biểu quyết hoặc bỏ phiếu tán thành.

2. Miễn nhiệm thành viên Ban TTND: Trường hợp vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hoặc lý do khác, thành viên Ban TTND có đơn xin thôi tham gia Ban TTND hoặc thành viên Ban TTND trở thành người đương nhiệm trong UBND cấp xã hoặc thay đổi nơi thường trú đến địa phương khác thì Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã báo cáo Hội nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp tạm thời cho thôi nhiệm vụ và đề nghị Ban công tác Mặt trận của thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố nơi thành viên có đơn xin thôi tham gia Ban TTND phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tổ chức Hội nghị nhân dân hoặc Hội nghị đại biểu nhân dân gần nhất quyết định việc miễn nhiệm thành viên đó và bầu người khác thay thế. Trường hợp số thành viên Ban TTND còn dưới 2/3, thì Ban TTND phải dừng hoạt động cho đến khi bầu người thay thế đủ số thành viên theo quy định.

3. Việc bầu thành viên Ban TTND thay thế: Việc bầu thành viên Ban TTND thay thế được thực hiện như Mục 2, Phần I nêu trên

V. CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC CỦA BAN THANH TRA NHÂN DÂN

1. Xây dựng chương trình kế hoạch hoạt động: Hằng năm, Ban TTND căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn, chương trình hành động và sự chỉ đạo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động. Chương trình, kế hoạch hoạt động của Ban thanh tra nhân dân phải báo cáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn.

2. Nguyên tắc và chế độ làm việc

- Ban TTDN hoạt động theo nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ và kịp thời; làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.

- Ban TTND họp định kỳ mỗi quý một lần để kiểm điểm công tác trong quý và triển khai công tác quý sau, trong trường hợp cần thiết có thể họp đột xuất.

- Ban TTND thực hiện chế độ báo cáo mỗi quý một lần trước Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn; định kỳ 6 tháng một lần tiến hành sơ kết; hằng năm tổng kết hoạt động và báo cáo trước Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn.

- Cấm lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn của Ban TTND để kích động, dụ dỗ, lôi kéo người khác khiếu nại, tố cáo sai sự thật và thực hiện các hành vi trái pháp luật.

3. Kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân

Kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được quy định tại Điều 21, Luật Thanh tra năm 2010 và được quy định cụ thể tại Thông tư số 63/2017/TT-BTC ngày 19/6/2017 của Bộ Tài chính.

3.1. Mức kinh phí hỗ trợ: Căn cứ tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã, mức tối thiểu 5 triệu đồng/Ban/năm và cân đối cho ngân sách cấp xã để Ủy ban nhân dân cấp xã cấp cho Ban Thanh tra nhân dân hoạt động.

3.2. Nội dung chi hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân

- Chi tổ chức cuộc họp, hội nghị.

-  Chi công tác phí phục vụ các cuộc giám sát, xác minh.

-  Chi thù lao trách nhiệm cho các thành viên Ban Thanh tra nhân dân trực tiếp thực hiện công tác thanh tra, giám sát, xác minh vụ việc theo kế hoạch công tác được duyệt.

- Chi thù lao trách nhiệm cho các thành viên Ban Thanh tra nhân dân hoạt động phối hợp với tổ chức thanh tra nhà nước khi thanh tra tại địa phương, đơn vị (nếu có).

- Chi mua sắm văn phòng phẩm, cước điện thoại, cước bưu phẩm.

-  Một số khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân theo quy định của pháp luật.

3.3. Mức chi và thẩm quyền quyết định mức chi

a) Mức chi

- Chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị; chi công tác phí: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

 - Chi bồi dưỡng báo cáo viên trong hội họp; chi thù lao trách nhiệm cho các thành viên Ban Thanh tra nhân dân trực tiếp thực hiện công tác thanh tra theo kế hoạch công tác được duyệt hoặc trong hoạt động phối hợp với tổ chức thanh tra nhà nước khi thanh tra tại địa phương, đơn vị: Mức chi 100.000 đồng/người/ngày.

- Chi mua sắm văn phòng phẩm, cước điện thoại, cước bưu phẩm, các khoản chi khác: Theo thực tế phát sinh, theo hóa đơn thực tế và trong phạm vi kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được giao, đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành và tiết kiệm, hiệu quả.

b) Thẩm quyền quyết định mức chi: Trong phạm vi kinh phí được hỗ trợ cho Ban TTND cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét duyệt mức chi cho phù hợp đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

3.4 Lập, chấp hành và quyết toán kinh phí hoạt động

- Lập dự toán: Hàng năm, căn cứ vào chương trình, kế hoạch hoạt động và chế độ, chi tiêu tài chính hiện hành, Ban Thanh tra nhân dân cấp xã lập dự toán chi bảo đảm cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân gửi Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện để xem xét, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, cân đối kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã theo khả năng ngân sách của địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

- Quyết toán: Ban Thanh tra nhân dân cấp xã có trách nhiệm quyết toán kinh phí hoạt động với Ủy ban nhân dân cấp xã để tổng hợp vào báo cáo quyết toán chi của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định hiện hành.

TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU

1. Mục 1 và Mục 2, Chương 6 Luật Thanh tra năm 2010;

2. Chương 1 và  Chương 2, Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân

3. Mục I Thông tri số 25/TT-MTTW-BTT ngày 10/8/2017 của Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tại xã, phường, thị trấn và biểu mẫu kem theo.

- Biểu mẫu số 01/BTTND: Biên bản hội nghị Ban công tác mặt trận dự kiến người ứng cử thành viên Ban Thanh tra nhân dân.

- Biểu mẫu số 02/BTTND: Biên bản Kiểm phiếu bầu Thành viên ban Thanh tra nhân dân;

- Biểu mẫu số 03/BTTND: Biên bản Hội nghị bầu Thành viên Ban Thanh tra nhân dân;

- Biểu mẫu số 04/BTTND: Biên bản Kiểm phiếu bãi nhiệm Thành viên ban Thanh tra nhân dân;

- Biểu mẫu số 05/BTTND: Biên bản Hội nghị bãi nhiệmThành viên Ban Thanh tra nhân dân.

4. Thông tư số 63/2017/TT-BTC ngày 19/6/2017 của Bộ Tài chính Quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.

 

Văn Chiêu

 Phòng Thanh tra Phòng, chống tham  nhũng -Thanh tra tỉnh


In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Select a date from the calendar.
Về đầu trang  
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THANH TRA TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm xuất bản: Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 1126, đường Phạm Văn Thuận, phường Tân Tiến, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: 0251.3822550; Fax: 0251.3816979; E-mail: vbthanhtra@dongnai.gov.vn
ĐĂNG NHẬP