Liên kết website
 

 HÌNH QUẢNG CÁO

 
Lượt truy cập
 

 Hướng dẫn nghiệp vụ

 
Hoạt động và mối quan hệ công tác của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn theo quy định pháp luật về thanh tra Cập nhật: 26-11-2018 10:29
Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường thị trấn có hai hoạt động cơ bản là hoạt động giám sát và hoạt động xác minh, trong đó hoạt động giám sát là chủ yếu, cơ bản, hoạt động xác minh chỉ phát sinh khi được người có thẩm quyền giao. Trong quá trình hoạt động, Ban Thanh tra nhân dân có mối quan hệ mật thiết với UBND, UBMTTQ Việt Nam ở xã, phường, thị trấn và Thanh tra huyện

​         1. HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT

Hoạt động giám của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn bao gồm các nội dung phải xác định rõ gồm: Phạm vi giám sát, phương thức giám sát, thực hiện việc giám sát. Cụ thể:

1. Phạm vi giám sát

Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường thị trấn thực hiện giám sát trong phạm vi sau:

1.1. Hoạt động của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

1.2. Việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

1.3. Hoạt động của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các ủy viên Ủy ban nhân dân, cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn và Trưởng thôn, Phó trưởng thôn, Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố và những người đảm nhận nhiệm vụ tương đương.

1.4.  Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại xã, phường, thị trấn gồm:

- Công tác tiếp công dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;

- Việc tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;

- Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;

- Việc thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo có hiệu lực pháp luật tại xã, phường, thị trấn.

1.5.  Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn.

1.6. Việc thu, chi ngân sách, quyết toán ngân sách, công khai tài chính tại xã, phường, thị trấn.

1.7.  Việc thực hiện các dự án đầu tư, công trình do nhân dân đóng góp xây dựng, do nhà nước, các tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho xã, phường, thị trấn.

1.8. Các công trình triển khai trên địa bàn xã, phường, thị trấn có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, an ninh, trật tự, văn hóa - xã hội, vệ sinh môi trường và đời sống của nhân dân.

1.9.  Việc quản lý trật tự xây dựng, quản lý các khu tập thể, khu dân cư, việc quản lý và sử dụng đất đai tại xã, phường, thị trấn.

1.10. Việc thu, chi các loại quỹ và lệ phí theo quy định của nhà nước, các khoản đóng góp của nhân dân tại xã, phường, thị trấn.

1.11. Việc thực hiện các kết luận, quyết định xử lý về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, việc xử lý các vụ việc tham nhũng liên quan đến cán bộ xã, phường, thị trấn.

1.12. Việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi, chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người và gia đình có công với đất nước, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

1.13.  Những việc khác theo quy định của pháp luật.

2. Phương thức thực hiện quyền giám sát

Phương thức giám sát của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn được thực hiện thông qua cách thức như sau:

2.1. Tiếp nhận các ý kiến phản ánh của nhân dân;

2.2. Trực tiếp thu thập các thông tin, tài liệu;

2.3.  Phát hiện hành vi trái pháp luật

2.4. Kiến nghị trực tiếp hoặc thông qua Ban Thường trực MTTQ Việt Nam, kiến nghị Chủ tịch HNND, Chủ tịch UBND cấp xã… giải quyết các vấn đề liên quan đến nội dung giám sát và giám sát việc giải quyết kiến nghị đó.

3. Thực hiện việc giám sát

Hoạt động giám sát là hoạt động chủ yếu của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, khi thực hiện hoạt động giám sát Ban Thanh tra nhân dân thực hiện theo các nội dung sau:

3.1. Chậm nhất là 5 ngày trước khi tiến hành một cuộc giám sát, Ban thanh tra nhân dân phải có kế hoạch gửi Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Kế hoạch phải nêu rõ nội dung, thời gian, địa điểm giám sát; nhân sự tham gia cuộc giám sát; kinh phí và điều kiện bảo đảm cho việc giám sát.

3.2. Trong quá trình thực hiện việc giám sát, Ban thanh tra nhân dân có quyền đề nghị Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát.

3.2. Trường hợp phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân và có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, sử dụng sai mục đích tài sản nhà nước, ngân sách nhà nước và các khoản đóng góp của nhân dân; thực hiện chương trình, dự án, quản lý và sử dụng đất đai trái với các quy định của pháp luật và các hành vi vi phạm pháp luật khác thuộc phạm vi giám sát của Ban thanh tra nhân dân thì Ban thanh tra nhân dân kiến nghị Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khác xem xét, giải quyết, đồng thời báo cáo với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn.

3.4.Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phải xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho Ban thanh tra nhân dân. Trường hợp kiến nghị không được xem xét, giải quyết hoặc thực hiện không đầy đủ thì Ban TTND có quyền kiến nghị Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khác xem xét, giải quyết, xử lý trách nhiệm.

II. HOẠT ĐỘNG XÁC MINH

Hoạt động xác minh của Ban Thanh tra nhân dân ở xã phường thị trấn không phải là hoạt động thường xuyên, hoạt động này chỉ phát sinh khi được người có thẩm quyền giao. Cụ thể hoạt động xác minh được thực hiện như sau:

1. Khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn giao xác minh những vụ việc nhất định, Ban thanh tra nhân dân có trách nhiệm thực hiện đúng nội dung, thời gian, phạm vi, nhiệm vụ được giao.

2. Trong quá trình thực hiện việc xác minh, Ban thanh tra nhân dân có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết phục vụ cho việc xác minh; xem xét để làm rõ sự việc cần xác minh; việc xác minh được lập thành biên bản.

Kết thúc việc xác minh, Ban TTND báo cáo với Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về kết quả xác minh; đồng thời kiến nghị biện pháp xử lý.

3. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân cần phải xử lý ngay thì lập biên bản và kiến nghị Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, đồng thời giám sát việc thực hiện kiến nghị đó.

4. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết và thông báo kết quả cho Ban thanh tra nhân dân biết. Trường hợp kiến nghị đó không được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì Ban thanh tra nhân dân có quyền kiến nghị Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xem xét, giải quyết, xử lý trách nhiệm.

III. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN CÓ LIÊN QUAN TRONG QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA BAN THANH TRA NHÂN DÂN

1. Trách nhiệm của UBMTTQ Việt Nam ở xã, phường, thị trấn

Trách nhiệm của UBMTTQ Việt Nam ở xã, phường, thị trấn được quy định tại Điều 71, Luật Thanh tra năm 2010 và được hướng dẫn cụ thể tại Điều 18 Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ.

1.1. Hướng dẫn việc tổ chức Hội nghị nhân dân hoặc Hội nghị đại biểu nhân dân ở thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố bầu Ban thanh tra nhân dân.

1.2. Ra văn bản công nhận Ban thanh tra nhân dân và thông báo cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp và nhân dân ở địa phương; tổ chức cuộc họp của Ban thanh tra nhân dân để Ban thanh tra nhân dân bầu Trưởng ban, Phó Trưởng ban, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên.

1.3. Hướng dẫn Ban thanh tra nhân dân xây dựng chương trình, nội dung công tác; định kỳ nghe báo cáo về hoạt động của Ban thanh tra nhân dân; đôn đốc việc giải quyết những kiến nghị của Ban thanh tra nhân dân.

1.4. Động viên nhân dân ở địa phương ủng hộ, phối hợp; tham gia các hoạt động của Ban thanh tra nhân dân.

1.5  Xác nhận biên bản, kiến nghị của Ban thanh tra nhân dân.

1.6. Xem xét, giải quyết và đôn đốc việc giải quyết kịp thời kiến nghị của Ban thanh tra nhân dân.

1.7. Chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cho thành viên Ban thanh tra nhân dân. Chủ trì việc tổ chức phối hợp giữa các tổ chức thành viên của Mặt trận để hỗ trợ hoạt động cho Ban thanh tra nhân dân.

1.8. Mời đại diện Ban thanh tra nhân dân tham dự cuộc họp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn có nội dung liên quan đến hoạt động của Ban thanh tra nhân dân.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn

Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn được quy định tại Điều 70, Luật Thanh tra năm 2010 và được hướng dẫn cụ thể tại Điều 19 Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ gồm:

2.1. Thông báo cho Ban TTND những chính sách, pháp luật chủ yếu liên quan đến tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã; các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương.

2.2. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin, tài liệu cần thiết cho Ban thanh tra nhân dân.

2.3. Xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị của Ban TTND, thông báo kết quả giải quyết trong thời hạn chậm nhất không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị đó. Trường hợp nội dung kiến nghị vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết, xử lý, đồng thời thông báo cho Ban TTND biết;

2.4. Xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật, cản trở hoạt động qua Ban thanh tra nhân dân, đe dọa, trả thù, trù dập thành viên Ban thanh tra nhân dân.

2.5.Thông báo cho Ban thanh tra nhân dân kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở.

2.6. Mời đại diện Ban thanh tra nhân dân tham dự các cuộc họp của Ủy ban nhân dân có nội dung liên quan đến nhiệm vụ giám sát của Ban thanh tra nhân dân.

2.7. Cấp kinh phí cho Ban thanh tra nhân dân theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

2.8. Hỗ trợ kinh phí, phương tiện để Ban thanh tra nhân dân hoạt động theo quy định của pháp luật.

3. Trách nhiệm Thanh tra cấp huyện

Thanh tra huyện có trách nhiệm phối hợp với UBMTTQ Việt Nam cùng cấp hướng dẫn nghiệp vụ công tác cho các Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn theo quy định tại Điều 20, Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ

TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU

1. Luật Thanh tra năm 2010;

2. Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân

Văn Chiêu

 ​Phòng Thanh tra PCTN

In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Select a date from the calendar.
 
Về đầu trang  
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THANH TRA TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm xuất bản: Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 1126, đường Phạm Văn Thuận, phường Tân Tiến, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: 0251.3822550; Fax: 0251.3816979; E-mail: vbthanhtra@dongnai.gov.vn
ĐĂNG NHẬP